Vừa đủ


Em vừa đủ để anh khao khát
Vừa đủ làm cho anh thật là anh
Trời chớm thu vừa đủ nét xanh
Quả chua ấy cũng vừa đủ ngọt.

Em vừa đủ để qua thời non nớt
Nét thục hiền vừa đủ chút đành hanh
Trong vững bền vừa đủ sự mong manh
Trong đằm thắm vừa đủ lòng nghi kỵ.

Em đàn bà vừa đủ men thi sĩ
Em trang đài vừa đủ nét chân quê
Thích cộng vào vừa đủ biết đem chia
Lòng ngay thẳng vừa đủ mưu che đậy.

Em già dặn vừa đủ điều non bấy
Em tươi vui vừa đủ nét ưu phiền
Em lạnh lùng vừa đủ để thôi miên
Em gìn giữ vừa đủ lòng nổi loạn

Anh khao khát với trái tim lãng mạn
Mong suốt đời vừa đủ để yêu em...

Châm ngôn (1)


1
Cây ngay thường chết đứng,
Dây leo chẳng hề gì.
Đó cũng là sự thật,  
Tin hay không thì tùy.

2
Ai cũng biết kim cương
Vì hiếm mà giá trị.
Nếu kim cương có nhiều
Ắt sẽ không còn quí.

3
Mọi cái ở trên đời
Đều có tính so sánh.
Nếu không có mặt trời,
Vàng sẽ không lấp lánh.  

4
Nhiều khi, kể cũng lạ,
Rằng đời cũng cần buồn.
Vì đời mà vui quá,
Đời sẽ thành rất buồn.  

5
Muốn xây nhà, trước hết
Phải làm móng, đổ nền.
Xưa nay ai có thể
Túm tóc mình kéo lên?

6
Không hề có khái niệm
Bất hạnh hoặc không may,
Chỉ có cách nhìn nhận
Tiêu cực về điều này.

7
Biết nơi mình đang đứng
Là quan trọng, dẫu sao
Cái thực sự quan trọng:
Biết mình đi hướng nào.

8
Ở đời, hỏi có gì
Hơn lòng thương, lẽ phải?
Mọi cái sẽ qua đi,
Chỉ tình người ở lại.

9
Bắt đầu từ việc dễ,
Phải từ từ, vừa vừa:
Ai, một tay, có thể
Nâng cả hai quả dưa?

10
Giúp thành công, xin có
Một bí quyết nho nhỏ:
Làm những việc bình thường
Bằng say mê phi thường.

11
Người lạc quan luôn thấy
Cơ hội trong khó khăn.
Người bi quan cằn nhằn
Khó khăn trong cơ hội.

12
Không phải ai cũng biết
Cái nghịch lý thế này:
Muốn giữ chặt hạnh phúc
Thì cần phải nới tay.

13
Theo qui luật vật lí:
Cho thì sẽ không còn.
Theo qui luật từ thiện:
Cho - mình sẽ nhiều hơn.

14
Chưa có cái ta mong,
Đừng buồn, đừng đau khổ.
Hãy biết vui, yên lòng
Với cái ta đang có.

15
Có thể ta không thắng,
Nhưng phải đấu đến cùng.
Có thể không thành công,
Nhưng phải luôn có gắng.

16
Lời nói và thời gian -
Phải suy đi, tính lại,
Vì cả hai cái này
Không thể nào lấy lại.

17
Gặp khó khăn, mất mát,
Bất cứ với điều gì,
Đừng tìm một lối thoát,
Mà tìm một hướng đi.

18  
Chúng ta có thể ghét
Những người mình đã yêu.
Không ta không thể yêu
Những người mình đã ghét.

19
Môt khi anh có thể
Không coi trọng chính mình,
Thì làm sao người khác
Không xem thường, không khinh?

20
Giá trị một món quà
Không ở lớn hay nhỏ,
Mà ở cách người ta
Nói và đưa tặng nó.

21
Tai họa thường bắt đầu
Bằng một cơn cuồng giận,
Và kết quả về sau
Là nỗi buồn hối hận.

22
Những gì mình sắp nói,
Phải suy nghĩ thật lâu.
Không thật cần, đừng nói
Những gì nghĩ trong đầu.

23
Suy cho cùng, ở đời,
Thành công lớn hơn cả
Là biết tự đứng lên
Sau mỗi lần vấp ngã.

24
Làm quen với một người
Thường nhanh và không khó,
Nhưng phải mất cả đời
Để quên đi người đó.

25
Nói câu “Anh yêu em!”
Chỉ vài giây, tuy vậy,
Ta phải mất cả đời
Để chứng mình điều ấy.

26
Con tiêu tiền bố mẹ
Coi như chuyện đương nhiên.
Hiếm khi thấy bố mẹ
Ngửa tay xin con tiền.

27
Con người phải buồn đau
Cô đơn và quẫn bách,
Vì thay cho xây cầu,
Họ xây tường ngăn cách.

28
Chúa Jesus từng dạy:
“Thiên đường ở trong ta.
Cũng trong ta - địa ngục”.
Vậy còn tìm đâu xa?

29
Chúng ta ai cũng chết
Chỉ duy nhất một lần,
Vì vậy phải cố gắng
Để chỉ chết một lần.

30
Cái để đo đời người
Là tư tưởng, hành động,
Chứ không phải là lời
Hay thời gian đã sống.

31
Cuộc đời là cuốn sách
Phải đọc chậm, dần dần,
Vừa đọc vừa suy ngẫm,
Vì chỉ đọc một lần.

32
Khi sống chỉ vì mình
Cốt được no, thoải mái,
Tức là ta thành thừa
Với những người còn lại.

33
Thảm họa của tuổi già
Không phải do ta già,
Mà vì không muốn trẻ,
Nên ta thành người già.

34
Đời thực sự đáng sống
Khi biết sống vì đời.
Người thực sự người tốt
Khi biết sống vì người.

35
Khi bạn muốn điều gì,
Thì đừng chờ điều ấy.
Hãy chủ động đi tìm -
Có tìm ắt có thấy.

36
Nụ cười mang hạnh phúc
Cho những người xung quanh.
Nụ cười mang hạnh phúc
Chủ yếu cho chính anh.

37
Thú vui và công việc,
Ai cũng có - Và người
Biết kết hợp thành một,
Mới hạnh phúc suốt đời.

38
Ta không biết có gì
Trước khi đánh mất nó,
Cũng không biết cần gì
Cho đến khi ta có.

39
Thời nào và ở đâu
Người già cũng cau có,
Chê các thế hệ sau
Không giỏi, tốt như họ.

40
Trái đất mà hình vuông,
Đường không nghiêng, chắc chắn.
Nhưng rất tiếc, nó tròn,
Nên phải đi cẩn thận.

41
Keo kiệt là không tốt.
Điều ấy đúng, khỏi bàn,
Ngoại trừ một trường hợp,
Là keo kiệt thời gian.

42
Ai không muốn mất bạn,
Xin hãy nhớ điều này:
Cứ cho, nếu có thể,
Hỏi vay, không cho vay.

43
Mọi việc không vô cớ,
Vậy đừng quên điều này:
Trong cái may có rủi,
Trong cái rủi có may.

44  
Càng sống, càng thấy đúng
Một chân lý hiển nhiên:
Cái gì cũng mua được,
Không ít thì nhiều tiền.

45
Điều này luôn vẫn đúng,
Mọi thời và mọi nơi:
Thời gian là thầy thuốc
Vĩ đại nhất trên đời.

46
Kiếm được tiền là khó,
Tiêu tiền khó hơn nhiều.
Muốn đánh giá ai đó,
Hãy nhìn cách chi tiêu.

47
Lo việc nghĩa - quân tử.
Lo việc lợi - tiểu nhân.
Quân tử càng quân tử,
Biết kiếm tiền khi cần.

48
Việc đã quyết là làm,
Đem hết sức mà làm.
Nhất định không trì hoãn,
Mà làm phải ra làm.

49
Con người, về bản chất
Là tham và vô ơn.
Nhờ học hỏi, từng trải,
Chuyện ấy mới đỡ hơn.

50
Hành vi của con người -
Ai dùng người nên nhớ -
Chi phối bởi hai điều:
Lòng tham và nỗi sợ.

51
Đời người không quá ngắn
Để nở một nụ cười.
Nhưng cũng không dài quá
Để suốt ngày ăn chơi.

52
Để sống vui, hạnh phúc,
Có tiền là rất cần.
Nhưng chỉ dừng ở đó,
Hạnh phúc mới một phần.

53
Hèn, đương nhiên là xấu,
Nhưng đôi khi cũng cần:
Nhẫn nhục lo việc lớn -
Gọi là hèn đại nhân.

54
Đường khó khăn không phải
Do cách núi, ngăn sông.
Khó ở chỗ ta ngại
Vượt núi và vượt sông.

55
Thú vị khi làm người
Còn nhiều cái chưa biết.
Động lực sống ở đời
Lại chính là cái chết.

56
Không ai được phép chọn
Bố mẹ và nơi sinh.
Bố mẹ càng nghèo khổ,
Càng yêu bố mẹ mình.

57
Không có chuyện mất nước.
Nước không mất bao giờ.
Chỉ mất quyền lãnh đạo
Của mấy thằng đầu cơ.

58
Mỗi nước, mỗi dân tộc
Có số phận như người.
Nước mà lãnh đạo xấu,
Người dân khổ suốt đời.

59
Chuyện quan tham, dân gian
Ở nước nào cũng có.
Lỗi không ở dân, quan,
Mà ở tại chế độ.

60
Chỉ người ít hiểu biết
Ai nói gì cũng tin.
Muốn có được chính kiến,
Phải luôn đọc, nghe, nhìn.

61.
Cứ lắng nghe người ta
Nói việc này, việc nọ.
Chỉ tin khi kiểm tra
Nói và làm của họ.

62
Không có gì dại hơn
Bằng biến người thành thánh,
Thành hình nộm cô đơn,
Buồn cười và bất hạnh.

63
Nước mà nhiều khẩu hiệu,
Tức là chẳng có gì.
Nước mà thờ lãnh tụ,
Tức là nước vứt đi.

64
Chưa từng nghe bao giờ
Rằng có nước, đại khái,
Dân tộc không anh hùng,
Quốc gia không vĩ đại.

65
Chưa có lãnh đạo nào
Tự nói mình không tốt,
Riêng việc tự khoe khoang
Chứng tỏ mình ngu dốt.

66
Mọi cái có giới hạn,
Chỉ duy nhất ở đời
Một cái không giới hạn -
Sự đểu cáng của người.

67
Khó có thể yêu nước
Khi không yêu quê nhà.
Làm sao yêu người khác,
Khi không yêu mẹ cha?

68
Có một điều thật lạ:
Thời gian vẫn trôi qua
Cả khi ta vội vã
Hay nằm lười ở nhà.

69
Dễ thấy vết bẩn nhỏ
Trên tấm kính trong phòng,
Thế mà nhiều khi khó
Thấy nó lớn và trong.

70
Nếu dân của một nước
Tất cả đều anh hùng,
Thì dân của nước ấy
Tất cả đều điên khùng.

71
Có thể không ai biết
Việc mình làm không hay,
Nhưng trời biết, mình biết -
Quan trọng ở chỗ này.

72
Ở một nước người tốt
Mà phải sợ kẻ gian,
Thì đạo đức nước ấy
Đang thối mục, suy tàn.

73
Sách tinh lọc kiến thức
Của bao đời xưa nay,
Do vậy học ở sách
Còn hơn học ở thầy.

74
Sao thế nhỉ, ở đời
Làm người tốt đã khó,
Lại còn bị chê cười
Và thường là đói khổ?

75
Bao giờ và thời nào
Người tốt cũng thua thiệt.
Người xấu được đề cao,
Lại giàu, ăn không hết.

76
Sống thật, dễ bị lừa,
Nhưng vẫn nên sống thật.
Ngay cả khi bị lừa,
Niềm tin đừng để mất.

77
Một người chết - Chắc gì
Anh ta từng đã sống.
Thực sự sống là khi
Con người yêu lao động.

78
Không ai tin đã khổ.
Khổ hơn - không tin ai.
Thiếu niềm tin, cuộc sống
Chỉ là sự kéo dài.

79
Chúng ta ngại thừa nhận
Một thực tế hiển nhiên,
Rằng người bạn tốt nhất
Cuối cùng, vẫn là tiền.

80
Anh kêu đời tráo trở.
Thì thế mới là đời.
Nếu mọi cái tốt đẹp,
Anh khó mà thành người.

81
Không chỉ là gánh nặng
Đè lên vai, tuổi già
Còn là kho kiến thức
Của mỗi một chúng ta.

82
Đối với người trẻ tuổi,
Các sai lầm trong đời
Thậm chí còn cần thiết,
Nếu không, khó thành người.

83
Ta vui hay ta khổ,
Đời vẫn cứ trôi qua
Theo cách riêng của nó,
Mà không thèm hỏi ta.

84
Nếu tất cả đều giàu,
Thì coi như nghèo hết.
Nếu tất cả giống nhau,
Xã hội coi như chết.

85
Cái hay của thiếu tiền
Là ta muốn có tiền.
Nó bắt ta làm việc
Cho đến khi thiếu tiền.

86
Như chờ sinh, bà mẹ
Muốn sinh con đúng ngày.
Cái gì đến sẽ đến,
Vội, chắc gì đã hay.

87
Có thể luật nhân quả
Chỉ là cái răn đời,
Nhưng nhờ luật nhân quả,
Người tốt hơn với người.

88
Không tin vào thần phật,
Khó tin vào chính mình.
Không tin vào trời đất
Là xúc phạm thần linh.

89
Khi đi về phía trước,
Phía mặt trời long lanh,
Tức là ta để lại
Bóng tối sau lưng mình.

90
Nếu có nghe ai nói
Một cộng một là ba,
Thì cũng đừng cãi vội.
Đó là chuyện người ta.

91
Đúng sai chỉ tương đối.
Nhiều cái đúng mà sai.
Khó phân biệt ranh giới
Giữa điên và thiên tài.

92
Chọn bạn nên cẩn thận,
Bỏ cũng thế, mà rồi
Xin có một lời nhắn:
Trẻ, bạn bè ít thôi!

93
Thật may: Ta không giàu.
May nữa: Ta phải chết.
May còn có buồn đau...
Vì sao? Ngẫm thì biết.

94
Đời vừa như con đĩ,
Vừa cô gái đáng yêu.
Anh muốn gì cũng được,
Cái gì nó cũng chiều.

95
Suy cho cùng, sống xấu
Cũng chẳng lợi hơn gì.
Cứ bắt chước Lão Tử,
Sống lành, sống vô vi.

96
Tu thân rồi tề gia,
Trị quốc, bình thiên hạ.
Nếu làm ngược, chúng ta
Tất sẽ gặp tai họa.

97
Câu “Khinh tiền, trọng nghĩa”
Rất chí lý, tuy nhiên,
Chí lý hơn nên nói:
“Trọng nghĩa, trọng cả tiền.”

98
Người ta nghiện, quả thế,
Chỉ toàn thứ đắng cay.
Ngẫm mà xem, có lẽ
Không ngẫu nhiên điều này.

99
Giàu cũng chẳng làm gì.
Danh cũng chẳng làm gì.
Vậy sống để làm gì?
Thực ra, chẳng làm gì.  

100
Ai cũng sống vì mình,
Mà nên sống vì mình,
Rồi mới vì người khác,
Tức là cũng vì mình.

Châm ngôn (2)


1
Có thể không có trời,
Nhưng ta sống ở đời,
Để yên tâm, chắc chắn,
Ta nên tin có trời.

2
Bí quyết để có tiền
Là không chỉ kiếm tiền,
Mà còn biết tiêu tiền
Và luôn để dành tiền.

3
Không người nào có thể
Biết mọi cái trên đời.
Người cái gì cũng tốt
Thì chẳng còn là người.  

4
Thật lạ, đời cũng cần
Thằng ngu, cô gái xấu.
Đời sẽ buồn một khi
Toàn thiên tài, hoa hậu.

5
Về già, con mới biết
Một chân lý hiển nhiên:
Bố mẹ nhận bão tố
Cho con cháu bình yên.

6
Trong các tội ở đời,
Lớn nhất - tội bất hiếu.
Tiếc, chỉ khi có con,
Điều này ta mới hiểu.

7
Nghèo không phải tội lỗi,
Nếu có thể, đừng nghèo.
Nhưng giàu mà phạm tội,
Nếu có thể, cứ nghèo.

8
Ai chưa từng bị đói,
Sẽ không biết mình no.
Người theo Ấn Độ giáo
Không nói: “Ngu như bò!”

9
Có thể với mọi người
Bạn là hạt cát nhỏ.
Có thể với ai đó
Bạn là cả cuộc đời.

10
Người ta có thể quên
Lời bạn nói sai trái,
Nhưng không bao giờ quên
Ấn tượng bạn để lại.

11
Một khi đã quyết định,
Thì phải bắt đầu ngay.
Không tìm cớ trì hoãn.
Bây giờ, ngay lúc này!

12
Không phải chuyện nhân quả,
Nhưng sự thật: Vốn thường,
Ai yêu thương nhiều quá,
Sẽ chết vì yêu thương.

13
Cuộc sống chỉ đáng sống
Khi biết sống vì đời.
Nghe có vẻ trống rỗng,
Nhưng đúng đến lặng người.

14
Không tin vào chính mình,
Rồi băn khoăn, lần lữa,
Tức là chưa bắt đầu,
Đã thất bại một nửa.

15
Anh có thể là người
Công tâm, can đảm nhất,
Cũng đừng trách những người
Không dám nói sự thật.

16
Đúng, tuy nghe nhàm chán:
Ta cho đời cái gì
Sẽ nhận lại cái ấy.
Lại tin không thì tùy.  

17
Thường vẫn thế, ta buồn,
Khi mất mát, dù nhỏ.
Thế mà ta ít vui
Với cái ta đang có.

18
Saadi, ai cũng biết,
Đã chia ba cuộc đời
Để đọc, đi, và viết.
Phần còn lại - nghỉ ngơi.

19
Không có gì vô duyên
Bằng ăn tục, nói láo.
Không có gì hướng thiền
Bằng lao động sáng tạo.

20
Trời - lúc nắng, lúc mưa.
Người - lúc vui, lúc khổ.
Đừng quá thiếu, quá thừa.
Đừng quá lớn, quá nhỏ.

21
Khi ta sống hết mình,
Nghĩa là ta quên mình.
Tưởng không sống cho mình,
Nhưng lại sống cho mình.

22
Quân tử và tiểu nhân
Có một điều khác biệt:
Tiểu nhân lo miếng ăn,
Quân tử lo hiểu biết.

23
Bạn là một thế giới
Duy nhất, không giống ai,
Nhiều tầng như vũ trụ,
Bí ẩn như con bài.

24
Thực tài luôn là người
Cứ lặng lẽ làm việc.
Bất tài luôn là người
Cứ nằm dài than tiếc.

25
Sách - sản phẩm vĩ đại
Và quí nhất ở đời.
Không có sách, nhân loại
Không bao giờ thành người.

26
A friend in need
Is a friend in deed.
Bạn là để giúp nhau,
Chứ không phải giải sầu.

27
Bạn tốt chính là người
Thăm ta khi đau ốm
Hay khi ta ngồi tù.
Ngoài ra là bạn rổm.

28
Ở độ tuổi hai mươi
Mà bạn chỉ thích lười,
Thì hãy đem tuổi ấy
Bán đi, kiếm chút lời.

29
Đừng nói câu “Rất tiếc”
Với người mình đang yêu,
Giống như khi làm việc
Không kêu khó khăn nhiều.

30
Đàn ông không có vợ
Héo khô về tâm hồn.
Đàn bà không đẻ con
Héo khô về thể xác.  

31  
Napôlêông nói
Ông ta luôn thành công
Vì đã không do dự.
Bạn có làm thế không?

32
Không có gì biến mất,
Không có gì ngẫu nhiên.
Trăng lặn, trăng lại mọc,
Hết tiền, lại có tiền.

33
Việc gì cũng quan trọng -
Cày ruộng hay viết văn.  
Miễn là làm thật tốt,
Miễn là phải chuyên cần.

34
Khi mới sinh, bạn khóc
Còn mọi người thì cười.
Mong bạn vui, lìa đời
Để lại nhiều tiếng khóc.

35
Ý nghĩa của cuộc sống
Luôn nằm trong lao động.
Còn nghỉ ngơi, vô lo
Chỉ khi ta xuống mồ.

36
Người có chí tiến thân,
Số phận sẽ dìu dắt.
Người ngồi ì, bất cần,
Số phận sẽ xếp đặt.  

37
Nói thì lại nhàm chán:
Ta không thể thanh thản
Sống với quá khứ buồn.
Vậy vứt đi, vứt luôn!

38
Con người vốn bảo thủ.
Việc của mình, cứ khuyên.
Nghe hay không tùy họ,
Đừng áp đặt, thêm phiền.

39
Không ai sướng cả đời.
Không ai khổ cả đời.
Vậy vấn đề ở chỗ
Tùy cơ và tùy thời.

40
Con đường đến thành đạt,
Vừa ngắn, vừa an toàn,
Là học vấn, hơn thế,
Sống lại được thanh nhàn.

41  
Đừng so người với ta,
Đừng so ta với người,
Vì được sinh ra đời,
Ai cũng là đặc biệt.

42
Ta viện đủ lý do,
Cùng một việc, một lúc
Để làm hoặc không làm,
Mà nghe đều thuyết phục.

43
Thôi ước mơ, hy vọng,
Nghĩa là ta ngừng sống.
Con người có thể bay,
Tiếc ta quên điều này.  

44
Đừng hối tiếc, than khóc
Những việc buồn đã qua,
Hãy vui mừng: Phía trước
Tương lai đang chờ ta.
  
45
Shakespeare nói chí lý
Yêu thì yêu mọi người.
Tin thì tin vài người.
Ghét -  không ghét ai cả.

46
Hãy chọn một mục đích,
Cố đeo đuổi, không rời,
Vì nó rất có thể
Là mục đích cả đời.
  
47  
Sống không có mục đích,
Sẽ không có đam mê.
Cần có nơi nào đó
Để đi và để về.

48
Con người được sinh ra
Không phải để biến mất,
Mà để dấu chân mình
Trong lòng người, trên đất.

49
Bạn rất cần tự do
Để sáng tạo, hơn thế,
Để làm điều thiện tâm
Ở những nơi có thể.

50      
Đừng làm phiền người khác,
Khi có thể tự làm.
Khi phần mình đã có,
Phần của người, đừng tham.

51
Khi bắt đầu công việc,
Phải luôn luôn lạc quan.
Còn nếu muốn bi quan,
Hãy chờ khi xong việc.

52
Dù chuyện gì xẩy ra,
Cũng tĩnh tâm để hiểu
Rằng cuộc sống chúng ta
Quả là điều kỳ diệu.

53
Lincohn đúng khi nói:
Ta thất bại ra sao
Không quan trọng bằng việc
Chấp nhận nó thế nào.

54
Đừng đổ lỗi số phận
Thất bại hoặc ưu phiền,
Phải thẳng thắn nhìn nhận
Một phần mình gây nên.

55
Tốt là khi lặng lẽ
Làm việc tốt cho đời.
Xấu là khi lặng lẽ
Lo bòn vét của đời.

56
Không biết thì cứ hỏi
Chẳng có gì đáng chê.
Ai không biết lắng nghe,
Không bao giờ biết nói.

57
Có thể bạn ngu dốt
Một chốc khi hỏi người.
Ai dốt, không dám hỏi,
Sẽ ngu dốt suốt đời.

58
Người khiêm tốn thực sự
Là người biết rõ mình,
Dám nói điều mình biết,
Dám nhận mình thông minh.

59
Bạn đã thử sức chưa,
Mà nói mình không thể?
Chưa bắt đầu, làm sao
Biết được khó hay dễ?

60
Đáng thương và ngu ngốc
Kẻ làm ác, mà rồi
Chẳng được tí lợi lộc,
Lại còn bị chê cười.

61      
Cái tốt nhất ta có
Chính là lòng trung thành.
Sự kính trọng, thanh danh...
Mọi cái đều từ đó.

62
Lý trí giúp ta tránh
Những việc không nên làm.
Trái tim thì ngược lại,
Mách những việc cần làm.

63
Kẻ lười biếng không biết
Nghịch lý này của đời:
Chỉ những ai làm việc
Mới thực sự nghỉ ngơi.

64
Muốn hay không cũng vậy:
Quay lưng với mặt trời,
Rốt cục ta chỉ thấy
Cái bóng mình mà thôi.

65
Nếu thực sự ta hiểu
Người khác như hiểu ta,
Thì lỗi lầm của họ
Ta dễ dàng bỏ qua.

66
Ta miễn phí tiêu dùng
Những tháng năm trước mặt.
Nhưng năm tháng đã qua
Có giá, và rất đắt.

67
Thực sự có nhiều người
Lời đi trước ý nghĩ.  
Nói, chẳng biết nói gì,
Đó là điều tối kỵ.

68
Phải lựa chọn quần áo
Hợp với tính cách mình.
Không được để quần áo,
Chi phối người thông minh.

69
Thường những người tuyệt vời
Uyên thâm và tuấn kiệt,
Dám thẳng thắn trả lời:
“Quả thật tôi không biết.”

70
Đọc mà không suy nghĩ
Chỉ lãng phí thì giờ.
Đọc mà không nhớ được
Do khi đọc hững hờ.

71
Không có sự nghiệp lớn,
Nếu mọi việc trơn tru.
Cuộc đời thường vẫn vậy,
Luôn có luật trừ bù.

72
Thất bại là bình thường,
Nhưng thất bại lớn nhất
Là không dám thử làm,
Và đó là sự thật.

73
Thấy điều gì chưa rõ,
Phải tìm hiểu đến nơi.
Thà suốt đêm không ngủ,
Hơn nghi ngờ suốt đời.

74
Con đường của thiên tài
Luôn gập ghềnh đá sỏi,
Con đường chưa có ai
Từng đi hay nghe nói.

75      
Muốn thực sự hơn người,
Ta phải nhìn lên trời,
Vì khi ta nhìn xuống,
Ta thấy ta hơn người.

76
Cây mọc được xanh tốt,
Lại còn cho quả ngọt
Là nhờ ở dưới cây
Xác chết tích lâu ngày.

77
Sao không buồn cho được,
Khi sự thật vẫn là:
Chưa kịp học cách sống,
Cái chết đã chờ ta.

78
Kinh nghiêm là cái lược
Mà thiên nhiên, buồn sao,
Ban cho ta khi tóc
Đã không còn sợi nào.

79
Thành La Mã được xây
Không phải trong một ngày,
Nhưng phá nó, có thể
Trời chỉ mất vài giây.

80
Người bác sĩ đích thực
Của tâm hồn chúng ta
Lại chính là triết học
Chứ không phải thơ ca.

81
Dựa vào tài người khác,
Ta có thể uyên bác.
Nhưng muốn thành thông minh,
Phải dựa vào chính mình.

82
Của cải có thể mua
Bằng lao động trí tuệ,
Nhưng tiền bạc không thể
Mua được trí tuệ nào.

83
Trí tuệ không dùng lâu,
Như trái cây khô thối.
Nhưng trí tuệ gặp nhau
Sẽ lóe lên sáng chói.

84
Thà ngu dốt còn hơn
Thông minh mà độc ác.
Đặc tính của người ngu:
Chỉ thấy lỗi người khác.

85
Ai không biết tưởng tượng,
Không có cánh để bay.
Có cánh mà không bay
Là phí óc tưởng tượng.

86
Con đường của vinh quang
Luôn tiến lên phía trước,
Vừa hẹp, lại khó đi,
Nên không thể lùi bước.      

87
Cuộc đời xưa và nay
Luôn khách quan, và nó
Không tốt, không xấu hơn
Như bản thân vốn có.

88
Người chỉ sống bằng tình,
Kết thúc là bi kịch.
Còn hài kịch là người
Sống chỉ bằng thông minh.

89
Người thực sự uyên bác,
Nói giản dị, chân thành.
Người tỏ ra uyên bác
Nói rối rắm, vòng quanh.

90
Quân tử chính là người
Không bỏ nghĩa vì lợi.
Tiểu nhân thì suốt đời
Đâu có tiền là tới.

91
Với những kẻ muốn chết,
Giúp cũng chẳng ích gì.
Gặp kẻ đang khát bạc,
Thì đừng khuyên, quên đi.

92
Tiểu nhân luôn hiếu danh,
Việc làm thường giả dối.
Quân tử hiểu chính danh,
Làm nhiều mà ít nói.

93
Khổng Tử dạy: Họa trời
May ra còn cứu được,
Nhưng nếu là họa người,
Thì coi như hết nước.

94
Học, học nữa, học mãi,
Sớm muộn cũng thành danh.
Cứ kiên gan, bền chí,
Chuyện gì làm cũng thành.

95
Có học, không có đức
Là người ác, đáng chê.
Có đức, không có học,
Ấy là người chân quê.

96
Quân tử sống ở đời,
Như Khổng Tử đã nói -
Trên - không dám oán trời,
Dưới - không nỡ trách người.  

97      
Nói nhiều thì nhiều lỗi,
Và sự thật vẫn là:
Người biết thường im lặng,
Kẻ dốt thích ba hoa.

98
Nếu đã làm việc nghĩa,
Thì không được suy bì.
Đã anh hùng, hảo hán,
Sao còn ngại gian nguy?

99
Người xưa dạy: Làm việc,
Phải làm trước mọi người.
Nếu quả tình phải nói,
Nên nói sau mọi người.

100
Vậy là tôi đã viết
Hai trăm bài châm ngôn.
Thích thì đọc cho biết.
Không, không dám dạy khôn.

Một thoáng xôn xao


Anh đã dối em buổi gặp gỡ hôm nào
Dù cố giấu nhưng dường như không thể
Ngày hôm ấy nắng thu vương nhè nhẹ
Gặp bạn bè, trời xui gặp thêm em.
Chẳng hiểu sao anh mất hết tự tin
Và chợt thấy mình như người có lỗi
Mới kịp trao nhau cái nhìn rất vội
Đã thân tình dịu ngọt tiếng em thưa.
Ngồi gần em, anh toàn chuyện vu vơ
Còn ánh mắt bâng quơ nơi cửa sổ
Ngoài khung cửa, nhành hoa vừa hé nụ
Sợi tơ trời tinh nghịch cứ đong đưa.
Em đẹp, em xinh? Biết nóí mấy cho vừa
Em không thế, sao lòng anh bối rối
Anh chợt tỉnh khi bạn mời ly mới
Ly rượu đầy, ai sẻ lại đầy thêm.
Buổi tiệc tan, anh chẳng dám chào riêng
Cũng chẳng dám hỏi em qua bè bạn
Nơi em ở, ngày sinh em chẳng hạn
(Cái anh chàng kiếm cớ tặng quà chăng).
Đến bây giờ em vẫn cứ xa xăm
Chỉ gương mặt dễ thương còn đọng lại
Bức ảnh em anh chụp bằng mắt đấy
Để trong lòng lưu mãi dáng hình em.


Thực hư chữa bệnh ung thư bằng lá đu đủ

GS Nguyễn Xuân Hiền, nguyên Chủ nhiệm Khoa Da Liễu, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 công bố hướng dẫn 250 người chữa ung thư bằng lá đu đủ. Kết quả nhiều bệnh nhân khỏi bệnh hoặc đỡ, kéo dài sự sống tốt
Nhưng bằng sự thận trọng của một người từng làm trong lĩnh vực y khoa, ông vẫn mong muốn các bộ ngành liên quan nghiên cứu bài thuốc dân gian này. Phóng viên đã tiếp cận trực tiếp vấn đề này.
Dù đã 91 tuổi nhưng trên bàn làm việc của GS Nguyễn Xuân Hiền trong căn nhà Khu tập thể Dệt Kim Hà Nội vẫn bề bộn sách vở. Ông không chỉ viết các chuyên đề nghiên cứu thuộc lĩnh vực của mình mà đi sâu nghiên cứu về lá đu đủ trị ung thư.
Ông tâm sự, từ khi nghỉ hưu ông sưu tầm nghiên cứu và hướng dẫn miễn phí cho các bệnh nhân ung thư có nhu cầu về bài thuốc này để giúp đỡ.
7/15 người uống có kết quả?
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2005, khi ông được tin bà Lê Thị Đặng ở TPHCM đã dùng nước sắc lá đu đủ điều trị cho chồng bị ung thư lưỡi đã di căn chọc thủng một bên má. Sau vài tháng chỉ uống nước lá đu đủ đã khỏi bệnh và sống thêm được 9 năm rồi chết vì tuổi già (87 tuổi).
Bài thuốc này lại bắt nguồn từ ông Stan Sheldon (người Úc). Năm 1962, ông Stan Sheldon bị ung thư 2 lá phổi sắp chết, may có người thổ dân mách cho uống nước sắc lá đu đủ, sau vài tháng đã khỏi, 10 năm sau không tái phát, 16 bệnh nhân ung thư khác được mách uống nước sắc lá đu đủ cũng đã khỏi.Theo GS Nguyễn Xuân Hiền, khi nhận được bài thuốc, ông cũng áp dụng cho người nhà bị bệnh nhưng do bệnh đã di căn lại không áp dụng triệt để nên không chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì theo dõi các bệnh nhân khác.Kết quả trong 2 năm (2005 – 2007), hướng dẫn cho 15 bệnh nhân cho thấy: 4 trường hợp (3 u phổi, 1 chửa trứng) uống được trên 5 – 6 tháng thì sức khoẻ ổn định, lên cân, u thu nhỏ, hết hạch cổ, đỡ ho, đỡ đau; 3 trường hợp bị u phổi khác uống được hơn 2 – 3 tháng thì u nhỏ đi, sức khoẻ tốt hơn; 1 trường hợp bị u phổi khác uống được 2 tháng, bệnh tiếp tục tiến triển, đau, ho nhiều; 3 trường hợp chết (1 u phổi, 1 u dạ dày, 1 u gan) chỉ uống chưa được 2 tháng sau đó chuyển thuốc Đông y khác; 1 trường hợp u đại tràng di căn chỉ uống chưa được 2 tháng, kết quả không mấy tiến triển.
Từ đó đến nay, ông tiếp tục nghiên cứu và hướng dẫn cho 250 người khác có đầy đủ số điện thoại, địa chỉ ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, kết quả có 9 người khỏi bệnh, hết u, sức khoẻ tốt.
Nhiều người trên thế giới khỏi bệnh?
Ngoài 16 trường hợp bị ung thư phổi được ông Sheldon mách uống lá đu đủ cũng khỏi bệnh, GS Nguyễn Xuân Hiền cũng cung cấp cho chúng tôi một bản dịch từ Mỹ trong đó cũng kể kinh nghiệm của 3 người bị ung thư phổi đã ở giai đoạn III, IV cũng nhờ uống nước lá này mà khỏi.
Tuy nhiên, bài viết chỉ nêu rất chung chung, không có tên và địa chỉ của người bệnh: Một người đàn ông 65 tuổi, đã bị cắt 1/4 lá phổi, ho ra máu và mủ nhiều, người kiệt sức chỉ nằm mà không ngồi được, bệnh viện trả về nhà chờ chết.
Ông này đã uống lá đu đủ chưa đầy 2 tháng mà bệnh tình thuyên giảm tới 80%, 4 tháng thì khỏi hẳn. Hay một người đàn bà 66 tuổi, bị ung thư phổi giai đoạn IV – to bằng bàn tay, tế bào ung thư đã ăn sâu vào xương sống, sau 3 tháng uống lá đu đủ, khối u teo nhỏ lại bằng đầu ngón tay, tháng thứ 6 thì chỉ còn là chấm nhỏ…Khi được hỏi về tính xác thực của các kết quả ghi nhận những bệnh nhân uống lá đu đủ khỏi bệnh, GS Nguyễn Xuân Hiền cho biết, ông đã nghỉ hưu nên không đủ điều kiện nghiên cứu, chứng minh trên lâm sàng.
Ông chỉ là người truyền bá bài thuốc để giúp những người bị bệnh “tứ chứng nan y” vượt qua được bệnh tật. Các bệnh nhân khỏi bệnh là do họ gọi điện báo cho ông chứ ông cũng không thăm khám hay có các kết quả xét nghiệm từ Tây y.Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Xuân Hiền, qua theo dõi nghiên cứu ông thấy, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã nghiên cứu và ghi nhận lá đu đủ có thể chữa được ung thư.
Gần đây nhất là công trình nghiên cứu của BS.TS Nam.H.Dang giáo sư Đại học Florida Mỹ đã công bố trên tạp chí dược học cho thấy, chất chiết xuất từ lá đu đủ có tác dụng tăng cường quá trình sản sinh các phân tử truyền dẫn tín hiệu chủ chốt có tên Th1-type cytokines.
Chúng đóng vai trò điều hòa hoạt động của hệ miễn dịch trong cơ thể đồng thời tạo hiệu quả tiêu trừ khối u ở một số loại ung thư, điều này mở ra những phương cách điều trị bệnh ung thư qua hệ thống miễn dịch.Nghiên cứu đã dùng nước chiết lá đu đủ ở 4 độ mạnh khác nhau cho 10 mẫu ung thư khác nhau và đo hiệu quả sau 24 tiếng. Kết quả cho thấy, lá đu đủ đã làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư trong cả 10 mẫu thử ấy.
Đặc biệt là chất chiết xuất từ lá đu đủ không gây độc hại cho các tế bào bình thường, do đó, tránh được các tác dụng phụ thường gặp ở nhiều phương pháp điều trị hiện nay.Chưa được khoa học công nhậnTheo GS Nguyễn Xuân Hiền, trước đây có nhiều người phản đối lá đu đủ chữa bệnh và cho rằng đó là một loại cây khác. Nhưng nghiên cứu của BS.TS Nam.H.Dang là cây Carica papaya. Đây là tên khoa học của cây đu đủ. Người Mỹ gọi đu đủ là papaya, người Úc và New Zealand gọi là pawpaw.
Không nên lẫn lộn “paw paw đu đủ” và “paw paw Bắc Mỹ”. Cây pawpaw Bắc Mỹ thân mộc, có tên khoa học là Asimina tribola và cũng được làm dùng thuốc trị ung thư hiện có bán trên trị trường. Còn đu đủ là cây thân thảo.GS Nguyễn Xuân Hiền nhấn mạnh, nhiều người, đặc biệt với những người chưa qua phẫu thuật khối u, chưa chạy xạ, truyền hóa chất chống ung thư thì kết quả tốt và nhanh hơn. Các nghiên cứu cho thấy, trong lá đu đủ có men papain và trong men papain có chất carotenoid và Iso thyocyanotes có khả năng kích thích sản xuất Cytokin Th1 – type là yếu tố miễn dịch, do đó có thể ức chế tế bào ung thư mạnh gấp triệu lần các thuốc chống ung thư Tây y.Một công trình nghiên cứu so sánh nước sắc lá đu đủ với 10 loại nước lá chống ung thư khác thì thấy, nước sắc lá đu đủ có tác dụng vượt trội mà giá thành lại rẻ bằng 1/2 – 1/3 với các loại khác. Hơn nữa, nước sắc lá đu đủ không gây tác dụng phụ.Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Xuân Hiền, cho tới nay nước sắc lá đu đủ chữa ung thư vẫn chưa được khoa học công nhận, vì thế rất khó biết nó có tác dụng thực sự hay không, nếu có thì ở chừng mực nào và các phản ứng phụ có thể xảy ra. Vì vậy, ông thiết tha mong muốn Viện Đông y, Bệnh viện K, Bộ Y tế… quan tâm nghiên cứu vấn đề này một cách bài bản, khoa học.
Mỗi ngày lấy 4 – 5 lá đu đủ cả cuống, già càng tốt (có tài liệu hướng dẫn là lá bánh tẻ), lấy dao cắt nhỏ cho vào nồi đổ 2 lít nước, nấu khoảng 2 tiếng, cô lại thành 1 lít để nguội cho vào tủ lạnh, uống thành 2 ngày, mỗi ngày 500ml chia làm 3 lần lúc no. Sau khi uống, uống thêm 1 – 2 thìa cà phê mật mía hoặc mật ong. Uống liên tục 3 tháng trở lên mới thấy có tác dụng. Những người chưa qua phẫu thuật khối u, chưa chạy tia, truyền hóa chất thì kết quả tốt và nhanh hơn.
DKN (st)

Thời của các thánh thần (phần 2)

Năm ấy, hết tháng hai rồi mà trời vẫn rét ngằn ngặt, cánh mạ chiêm ở đầu làng, ba lần gieo, lần nào hạt mộng cũng thâm đen, không chịu nẩy mầm.
- Trời rét này phải quải thêm gio bếp. Giữ cho mộng ấm chân, thầy nó ạ! - Sớm tinh mơ, chị hai Phúc dậy khoác tấm áo bông, nói với chồng.
- Còn sớm lắm. Sương giăng mờ mịt thế kia. Đợi hửng rồi hãy đi. - ông Phúc húng hắng ho, tung chăn trở dậy.
- Thầy nó trông các con giúp tôi. Tôi đi ù một lát rồi về. Người còn rét muốn rụng ngón tay, nghĩ càng thương cây mạ. Siêu nước sôi tôi ủ trên bếp thầy nó pha trà uống đi nhé. Nhớ nhắc bà ém chăn kín cho thằng nhỏ…
Đôi thúng gio lèn chặt vít cong chiếc đòn gánh, nhún nhẩy theo dáng người mềm mại của chị hai Phúc ra đồng. Ông Phúc nhìn theo vợ, thở dài. Mang tiếng lấy chồng là ông Cử, vừa có nghề bốc thuốc, vừa có nghề dạy học, lại cai quản một cơ ngơi bề thế nhất làng, mà chị hai Phúc cũng chẳng khác gì một tá điền. Cũng thức khuya dậy sớm thắt lưng con cón ra đồng từ sớm tinh mơ, về nhà lúc đã nhọ mặt người. Ngoài tháng năm, ngày mười phải thuê thêm thợ cày cấy, gặt hái, còn lại những lúc nông nhàn, bao nhiêu công việc đồng áng, nhà cửa, một tay chị làm cả. Cả làng Động ai cũng lấy ruộng rau muống, chum tương, vại dưa, vại cà, hũ mắm, bè khoai khô, sào khoai lỗ… nhà chị hai Phúc làm chuẩn mực. Những thứ lương thực thực phẩm dự trữ chiến lược ấy toàn một tay người đàn bà mới ngoài hai mươi tuổi ấy lo liệu. Chắt bóp, tằn tiện, căn cơ là phẩm chất cố hữu đã được truyền từ đời cụ kỵ, sang đời bà, đời mẹ, tới đời chị hai Phúc.
Ra khỏi luỹ tre làng, gió buốt như táp vào mặt. Gánh gio có lúc như muốn quay tròn, vì gió. Đang định tạt xuống cánh mạ, chị hai Phúc bỗng đứng sững lại, hai chân như chực khuỵu xuống, khắp người sởn gai ốc. Có tiếng trẻ con khóc thét ở chân gò ông Đống trước mặt. Tiếng khóc hệt như tiếng cậu ba Vọng, thằng con trai thứ ba, mới vừa đầy tháng tuổi của chị. Giữ tay trên hai dẻ quang, chị hai Phúc hơi xoay người lại phía làng để lắng nghe. Hay là thằng bê giật mình, thức dậy không thấy mẹ? Không phải. Chị trấn tĩnh lại. Rõ ràng tiếng khóc phát ra từ bụi tầm xuân trên gò ông Đống trước mặt. Thần gốc đa, ma ông Đống. Hay là ma đói hiện về định bắt nạt người? Chị Phúc toan bỏ gánh gio, chạy về nhà.
Nhưng rồi tiếng khóc ngằn ngặt của đứa bé cứ níu chân chị lại. Chị đặt hai thúng tro xuống, cầm ngang chiếc đòn gánh như thứ vũ khí tự vệ, rồi quả quyết bước tới.
Cái gì kia? Một búi giẻ rách thâm đen bung ra, lăn từ gốc bụi tầm xuân xuống vệ cỏ, để lộ một cục thịt đỏ hỏn. Chị hai Phúc muốn bổ chứng khi nhìn rõ khuôn mặt đứa trẻ với đôi mắt sưng húp, cái mũi trắng nhợt, cái mồm cá ngão khóc ngằn ngặt. Một đứa trẻ hoang thai. Cuống cuồng như chính đứa con của mình bị ai đó bắt trộm mang bỏ giữa đông, chị Phúc cúi xuống ôm cả đứa bé và húi giẻ rách vào làng, kéo chiếc áo tơi che gió lạnh, rồi tất tả chạy về nhà.
Lúc đó, ông Cử Phúc đang ngồi xếp bằng trên sập gụ. Chén trà đầu tiên trong ngày và hơi thuốc lào cần vương vít từ miệng chiếc điếu bát băng đồng thau sáng bóng đang làm ông ngây ngất. Từ mấy chục năm nay, thói quen buổi sáng thức dậy của ông Cử Phúc là vậy. Ông có thể ngồi hằng giờ, cho tới khi cạn ấm trà ủ trong giỏ tích và say lơ mơ trong khói thuốc lào. Thường thì ông tự làm cho đầu óc mình trống rỗng. Ông không nạp cũng không giải một thứ thông tin gì trong não bộ. Đây là một phương pháp dưỡng sinh ông tự luyện cho mình. Và thấy rất hiệu quả không chỉ cho não bộ mà cả toàn bộ hệ kinh mạch.
Nhưng sáng nay, thông lệ đã bị phá vỡ. Suốt đêm qua, và cả bây giờ, trong đầu ông vẫn bị ám ảnh bởi lá số tử vi của thằng cu Vọng: Nhân đầy tháng con, cụ Nhiêu Biểu, thầy dạy của ông, đã lập cho thằng bé lá số tử vi. Hôm qua, suốt cả buổi chiều, hai thầy trò đã cùng giải chi li đến từng tiểu hạn. Mệnh vô chính diệu.Tuần Triệt ở cung Thân. Thiên liệt, Thiên khốc ở cung Phụ mẫu.Lưu hà, Kình dương ở cung Di, Thớt sát, Phá quân, Tham langtrực chiếu cung Mệnh. Thái dương, Thái âm, Thiên lương đều ở cung Hãm địa. Số thằng này, y hệt như hai thằng anh, suốt đời phát vãng, lưu tán.
Nhắm mắt lại, ông Cử vẫn nhìn thấy từng vị trí an sao của thằng con trai. Kỳ lạ nhất là cả ba lá số của ba thằng con ông đều có saoKình dương, Kiếp sát đóng ở cung Phụ mẫu. Riêng thằng Vọng, vòng đại hạn từ 36 đến 48 có sao Lưu hà, Thiên mã trực chiếu cung Mệnh, có thể chết vì sông nước.
- Anh phải có một thằng con nuôi - Cụ Nhiêu Biểu trầm ngâm giây lâu, rồi nhìn thẳng vào ông Cử nói chậm rãi - Tam nam bất phú đã đành. Nhưng nếu có thằng con nuôi sẽ thành tứ hổ bất nhược, nó sẽ phá cái thế Tuần, Triệt, gánh cho ba thằng con anh cái mệnh phát vãng, lưu tán. Còn tôi, còn anh, cứ ngẫm mà xem. Đem lá số của ba thằng đối chiếu với anh, tôi lo lắm. Anh biết lúc an sao cho thằng ba Vọng, tôi giật mình về điều gì không?
- Dạ, có phải vì cháu mệnh Vô chính diệu? - ông Cử dè dặt trả lời cụ Nhiêu.
- Cũng chỉ một phần. Tôi lo nhất là Tuần Triệt đều đóng ở cung Thân. Sao Tử vi hãm địa ở cung Di. Đối chiếu với Chu dịch, thằng bé ứng vào quẻ Độn. Kiền trên, Cấn dưới… Độn tức là lui vì vậy quẻ Độn mới nối quẻ Hằng. Độn là lui, là tránh, bỏ chỗ này đi chỗ kia. Nó là quẻ dưới trời có núi, trời là vật ở trên, tính Dương tiến lên, núi là vật cao vót, hình tuy cao vót mà thể thi là vật đậu. Có Tượng tiến lên mà bị đậu lại không tiến lên, trời bèn tiến lên mà bỏ nó. Dưới lấn lên mà trên bỏ đi, ấy là xa nhau, cho nên là nghĩa lánh đi. Hai hào âm sinh ở phía dưới, là khí âm đương lớn sắp thịnh, khí dương phải tiêu mà lui, kẻ tiểu nhân thịnh dần, đấng quân tử lui mà tránh nó, cho nên là trốn…
Những điều cụ Nhiêu Biểu nói, khiến ông Cử hoang mang. Ông đi lại kệ sách toan lấy cuốn Kinh Dịch xuống xem lại, thì có tiếng bước chân hốt hoảng của vợ.
- Kìa u nó, có việc gì phải không?
- Tôi bắt được đứa bé này ngoài gò ông Đống, thầy nó ạ - Tiếng chị hai khản đặc, run run - Có người hoang thai vứt nó trong bụi cây. Thoạt đầu nghe tiếng đứa bé khóc, tôi cứ tưởng ma trêu…
Ông Cử Phúc lật đật lấy tã lót của cậu ba Vọng, giúp vợ thay cho đứa bé. Có sự trợ giúp của chồng, chị hai đã hết run.
Bằng những động tác thuần thục và kinh nghiệm của người mẹ, chị ủ đứa trẻ trong lớp tã lót mới. Mở ra mới biết đó là một bé trai, dái thâm như quả hồng xiêm rụng. Ngay phía dưới rốn nó, có một vết da màu lông chuột bằng đồng xu, như một vết đánh dấu vô tình của tạo hoá.
- Nhà mình có phúc rồi - chợt nhớ đến lời cụ Nhiêu Biểu, ông Cử Phúc gật gù nói với vơ, - nó đang đói lả đi kìa. U nó cho bú đi.
Chị hai Phúc cởi khuy áo ngoài, thốc tấm yếm màu hoa hiên, lộ ra bầu vú trắng bóc, căng tròn. Ấn nhẹ hai ngón tay vào núm vú cho sữa chảy ra, rồi chị ấp miệng thằng bé vào ngực mình. Choàng tỉnh sau cảm đói lả và quặn rét, thằng bé ngoạm chặt núm vú, như một gã háu ăn và tham lam, nó mút chùn chụt.
Nhìn cái miệng nhỏ xinh loe ra, đôi má hõm vào với một ham muốn của bản năng sinh tồn, người đàn bà bỗng động lòng trắc ẩn. Những va chạm hít hà vô thức đã dội vào tâm hồn vốn đa cảm và nhân hậu của chị, đẩy nước mắt trào ra hai khoé.
- Ầu ơ đói lắm đây mà. Nó tệ quá phải không? Nỡ vứt bỏ người ta giữa bụi tầm xuân. Nó đâu còn là cái giống người, đúng không? - Chị nói chuyện với thằng bé, nhìn vào đôi mắt ti hí như mắt chuột của nó với tất cả tình cảm thân thương của người mẹ. Chị mường tượng ra một người đàn bà trẻ đang như điên dại ngoái đồng. Người đàn bà ấy đang bị dồn đuổi đến bước đường cùng. Chị ta là ai? Một cô gái trê bị ăn phải bùa ngải lầm lỡ hay một thân phận lẽ mọn bỉ ruồng bỏ? Sao chị ta không để lại một lời nhắn gửi, một dấu tích gì? Sao chị ta không mang đứa trê đến một nhà thương làm phúc hay gửi gắm ở một ngôi chùa? Thằng bé sẽ lăn xuống ruộng, bị sặc trong bùn, sẽ bị kiến bu, rắn cắn, quạ mổ, hoặc bị chết rét vì gió bấc, mưa phùn…
Bất giác chị hai Phúc thảng thốt nhìn ra khoảng trời xám ngắt mờ mịt cuối làng. Vẳng trong gió hình như có tiếng ai gào khóc. Chị như nhìn thấy rõ một người đàn bà đầu tóc xoã xười quần áo tơi tả, bộ mặt vô hồn đang vật vờ trên đường đồng hun hút, đang lê bước trở lại bụi tầm xuân trên gò ông Đống với nỗi dày vò và trái tim giằng xê.
Trong khi chị hai Phúc thầm chuyện trò với đứa bé thì ông Cử Phúc lặng lẽ đi lên nhà thờ. Năm gian điện thờ im phắc. Mùi hoa huệ thơm thoảng, tinh khiết và mê hoặc. Khoác chiếc áo the, đội khăn xếp, ông Cử thay nước cúng rồi thắp một tuần nhang. Khói hương bảng lảng gợi không khí thâm nghiêm huyền bí ông Cử tưởng như mình đang hầu chuyện các bậc tiền nhân.
- Duy… Việt Nam quốc, Sơn Minh tỉnh, Phương Đình huyện, Phương Tú xã, làng Động trung thôn. Tin thần tín chủ Nguyễn Kỳ Phúc, kính bái Cao tằng tổ khảo, Cao tằng tổ tỉ, Bá thúc huynh đệ, Cô di tỉ muội, Táo phủ thần quân, Lục vị gia thần, trăm muôn vạn mớ lạy…
Ông Cử Phúc như hồi tưởng lại cả một chặng đường xa lắc từ thời các bậc tiền nhân mở đất ở làng động, cho tới đời ông, đời cha mình. Ông báo cáo về việc ba thằng con trai của ông có thêm một thằng em trai nữa. Ông kính xin tổ tiên gia ân phúc cho thằng bé, cho nó một cái tên của dòng họ Nguyễn Kỳ.
***
- Con chó này háu ăn lắm. Mình để nuôi, thầy nó ạ - Chị hai Phúc nói khi ông Cử từ nhà thờ đi xuống. Gương mặt chị bừng sáng như đức Phật Quan Thế âm vừa cứu vớt một sinh linh. Đôi mắt rời rợi một thứ ánh sáng tràn ngập hạnh phúc.
Cái cảm giác nhộn nhột đê mê được truyền từng tia sữa, được đùm bọc che chở cho cái sinh linh bé nhỏ đang nằm gọn trong lòng chị với sự thoả thuê, mãn nguyện, an bàng, khiến chị không giấu nổi chồng những viễn cảnh ngày mai - Để hai con chó cùng bú chung, chúng càng thi nhau hay ăn chóng lớn, thầy nó ạ. Nhà mình thêm một suất đinh, là tứ hổ, chẳng sợ thiên hạ bắt nạt.
Ông Cử Phúc cảm thấy như tâm hồn ông đang được dội từng đợt sóng hạnh phúc. Ông lại khám phá thêm một phẩm chất tuyệt vời, một tấm lòng vị tha nhân hậu của người bạn đời đã cùng ông ngọt bùi cay đắng. Mới đó mà đã sáu năm.
Lại nhớ cái năm chị cả Phúc bị chết vì hậu sản, thằng Khôi mới vừa hai tuổi. Hằng tháng ròng, đêm đến ông ngồi chong đèn thở dài thườn thượt, khi thằng cu Khôi khóc ngằn ngặt trong lòng bà nội vì nhớ hơi mẹ. Thương con một phần, nhưng xót mẹ bội phần. Đợi hết giỗ đầu chị cả Phúc, ông bằng lòng để bà Đồ Kha sửa cơi trầu xin cưới Ân.
Cô Vũ Thị Ân, mười bẩy tuổi, là con út cụ Nhiêu Hanh, một địa chủ bị sa sút của vùng bãi trồng dâu dệt lụa. Ngày còn sinh thời cụ Đồ Kha, giữa cụ đồ và cụ Nhiêu đã có lời hứa sẽ gả con cho nhau để làm chỗ thông gia đi lại. Hiềm nỗi, năm anh con trai cụ Đồ Kha đến tuổi thành gia thất thì con gái cụ Nhiêu Hanh quá nhỏ. Hai bên đành thất hứa. Năm chị cả Phúc mất, cô Ân mười sáu tuổi, nhiều trai làng ngấp nghé, nhưng cụ Nhiêu Hanh nhất định chỉ đánh tiếng với cụ Đồ Kha bà, muốn nhắc lại lời hứa xưa. Cho nên, với ông Cử Phúc, việc cụ Nhiêu Hanh gả con gái yêu cho ông là một nghĩa cử cao cả, một kỳ vọng lớn lao, giống như vua Trần xưa vì nghĩa lớn, vi đại sự quốc gia mà gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm Chế Mân vậy. Cô Ân kém ông Cử Phúc hai mươi tuổi đáng tuổi con, lại đang tuổi dậy thì, đẹp rờ rỡ như đoá hoa hàm tiếu. Cuộc hôn nhân quá bất ngờ đối với cô Ân, nhưng lại tất yếu như định mệnh, như đạo lý của Khổng Nho "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy", khiến cô chỉ xao xuyến, lo âu và hơi có phần hoang mang khoảng một hai tuần trước ngày cưới. Người đàn ông tục huyền với cô đã có một cậu con trai ba tuổi, lại đã qua kỳ tam thập nhi lập khiến cô lo lắng đến trách nhiệm và bổn phận hơn là chờ mong hạnh phúc. Chao ôi, cái đêm hợp cẩn, là một đêm nhớ đời đối với cả hai người.
Cô Ân nằm nép trong góc giường, người bó chặt trong bộ quần áo cưới ban ngày, khóc thút thít. Nỗi sợ hãi, chen một chút tủi thân, một chút nhớ cha mẹ, một chút mặc cảm… làm cho khắp người cô cứ run lên từng đợt. Ông Cử dường như nhận rõ những điều đó. Ông nằm bất động, hai tay khoanh trước ngực, mắt nhìn chong chong lên nóc buồng. Ông cảm thấy mình vừa như có lỗi với người vợ quá cố, vừa như quá tàn nhẫn, ích kỷ, không xứng đáng đối với sự trinh trắng, ngây thơ của Ân. Thật lạ, trong lòng ông không hề mảy may chút dục vọng. Những ý nghĩ khiến tâm hồn ông trong suốt, thánh thiện. Ông lặng lẽ khóc và ngủ thiếp đi từ lúc nào.
Đêm tân hôn trở thành một đêm thuần khiết, không giới tính. Đó là cột mốc dẫn dắt và định hướng cuộc hôn nhân của họ mỗi ngày thêm tràn đầy một thứ tình yêu mang đậm màu sắc đạo lý và lòng biết ơn, trân trọng, nâng đỡ nhau. Ba năm sau, cô Ân, giờ được mọi người gọi là chị hai Phúc, bà Cử Phúc, sinh bé Nguyễn Kỳ Vỹ, hai năm sau nữa sinh tiếp bé Nguyễn Kỳ Vọng. Ba anh em nhưng ít ai biết chúng cùng cha khác mẹ. Thậm chí cậu cả Khôi được chị Ân nuông chiều hơn hai đứa nhỏ. Mọi chuyện từ ăn mặc, thuốc men, học hành bao giờ chị cũng xếp Khôi ở hàng số một. Khôi là anh cả, phải được ưu tiên đặc biệt thì sau này mới "quyền huynh thế phụ", giúp các em lo việc gia đình - Chị Ân thường nhắc với chồng như thế…
- Tam nam bất phú. Giờ mình lại có thêm một nữa là tứ nam. Tứ hổ bất nhược, nhà nó ạ - ông Cử Phúc kéo một mồi thuốc lào lơ mơ nhìn cụm khói tản trong gió, tự gật gù vì một ý tưởng chợt đến - Mình sẽ đặt tên cho thằng bé là Nguyễn Kỳ Quặc, u nó ạ. Nó đến nhà mình là một điều kỳ quặc, bất ngờ không giải thích nổi. Nhất định là nó không thể mang hoạ, mà chỉ mang phúc đến, như cụ Nhiêu Biểu đã nói. Dù thế nào tôi với u nó cũng sẽ nuôi thằng bé thành người, coi nó như con đẻ, như thằng Khôi, thằng Vỹ, thằng Vọng. Nó kém thằng Vọng một tháng tuổi, phải chịu làm em. Để tôi lấy cho thằng bé một lá số. Cứ coi như giờ này, ngày này, tháng này u nó đã sinh ra thằng Quặc.
Nguyễn Kỳ Quặc đã được tái sinh ở cửa nhà ông bà Cử Nguyễn Kỳ Phúc như thế. Nó cùng với cu Vọng bú chung một bầu vú, nằm chung một nôi, một vòng tay ấp, mặc chung tã lót, áo quần. Nhiều người hiếm con đến nài nỉ, thậm chí xin chuộc một món tiền lớn để được nhận thằng Quặc làm con, nhưng đời nào ông bà Cử Phúc chịu nhường.
Hai đứa trẻ, như hai con chó con, suốt ngày bám váy mẹ. Chúng được bà nội, cụ Đồ Kha, đặt cho hai cái tên xấu xí cho dễ nuôi: Vện và Cục. Cu Vện thì rõ rồi, Vện đọc chệch từ Vọng. Nhưng cái tên Cục thì lại có nguyên cớ. Số là khi cu Quặc và cu Vọng biết chạy lon ton, biết gọi u, gọi bà, cũng là lúc chúng biết giành nhau củ khoai, quả táo, hay những thứ đồ chơi do ông Cử đẽo gọt từ gỗ, tre. Một lần hai đứa tranh nhau một quả bưởi. Trái cây vẫn còn xanh nên không thể ăn được, nên cụ Đồ Kha cho hai thằng cháu đá bóng. Cu Vọng cả thèm chóng chán. Đá một lúc, nó đòi bổ ăn, và cứ ôm chặt giữa chân khiến cu Quặc không lấy được. Quặc liền chạy đi kiếm một thanh tre phang vào đầu vào mặt thằng Vọng.
Đến khi cụ Đồ Kha phát hiện ra hai đứa cùng khóc thét, một đứa cố giữ quả bưởi, một đứa cố giành lại, thì một bên má thằng Vọng đã bị cào rách sưng vù, máu chảy toe toét. Sau này thằng Vọng bị một vết sẹo ở đuôi mắt trái. Tên Cục được bà cụ đồ gọi thằng Quặc từ lần ấy.
Càng lớn, thằng Vện và thương Cục càng lộ rõ sự khác biệt của hai dòng máu. Vện đậm người, da trắng, mắt nai, tính tình nhút nhát, hiền lành. Cục cao vỏng, mặt xương, mũi cao, mắt xếch pha màu xanh lơ, nghịch ngợm như quỉ sứ.
Vào năm thằng Vện và thằng Cục lên mười, có một người đàn bà lạ tìm đến nhà ông Cử Phúc. Chị đóng vai một con bệnh nón mê úp chụp, khăn vuông đen quấn kín mặt, bụng lùm lùm như chửa năm sáu tháng. Những con bệnh tìm đến ông Cử Phúc nhiều người từ những nơi rất xa, có người đến ăn nghỉ để chữa bệnh hàng tuần. Vì thế việc người đàn bà lạ đến đây là sự thường tình. Tuy vậy, sự xuất hiện của người đàn bà chứa lần này lại khá thận trọng. Chị kín đáo nhìn quanh. Chị dừng lại ngoài cổng dò xét động tĩnh, rồi nhẹ nhàng đánh tiếng vào nhà.
Ông Cử bỗng giật mình khi người đàn bà bỏ khăn ra. Một gương mặt trái xoan trắng hồng, đẹp một cách sắc sảo và cương nghị với đôi mắt phượng xếch ngược như mắt nàng Tây Thi trong vở tuồng cổ. Thoáng nhìn, ông Cử biết ngay người đàn bà trạc hai lăm, hai sáu tuổi này hoàn toàn không bệnh tật gì.
- Thưa ông, tôi vừa từ chỗ anh cả Khôi đến.
- Khôi nào nhỉ? - ông Cử Phúc làm ra vẻ ngạc nhiên.
- Anh cả lôi con trai ông - Người đàn bà nhìn ông với ánh mắt như bảo rằng chị đã biết hết cả, không cần rào đón nữa.
Chị ngó nhìn quanh đầy cảnh giác rồi giở tấm vải quấn quanh bụng, lấy ra một lá thư được gấp rất nhỏ:
- Anh Khôi có thư cho ông.
Ông cử mở kính, đọc những dòng chữ thân thuộc:
"Kính gửi thầy,
Người cầm thư này là chị Cam, cùng nơi làm việc với con. Chị Cam sẽ nói với thầy về những điều con không tiện viết trong thư. Thầy u cùng các em có khoẻ không? Con vẫn luôn nhớ gia đình ta. Kính mong thầy khang kiện.
Con trai, Khôi".
Giờ thì ông Cử không nhìn người đàn bà với con mắt của một thầy thuốc đối với bệnh nhân nữa, mà ngược lại, chính ông đang có tâm trạng của một con bệnh. Người đàn bà đến gặp ông đây chính là một cán bộ Việt Minh. Rất có thể chị ta là cấp trên của con trai ông.
- Tôi hỏi chị khí không phải. Tình hình sức khoẻ và công việc của cháu Khôi nhà tôi có tốt không ạ?
Thay vì câu trả lời, Cam lấy từ trong lần áo lót ra một tấm ảnh chân dung đưa cho ông Cử.
- Anh Khôi khỏe mạnh lắm ông ạ. Đây là ảnh anh ấy vừa chụp. Ông thấy ra dáng một chàng trai khôi ngô tuấn tú không? Anh ấy gửi ảnh này về cho ông để ông làm cho một tấm thẻ căn cước. Sắp tới Khôi sẽ có việc vào trong thành Hà Nội.
Ông Cử run run đón bức chân dung đứa con trai suốt ba năm nay ông không gặp mặt. Vậy là thằng Khôi của ông đã trở thành một đấng nam nhi rồi. Trông ảnh không ai bảo rằng nó mới mười tám tuổi.
Người đàn bà kéo ghế ngồi sát ông Cử, giọng nhỏ lại:
- Chắc ông cũng biết, lực lượng Việt Minh đang rất lớn mạnh. Anh Khôi đang được thượng cấp đặc biệt tin cậy giao nhiều trọng trách. Tại Việt Bắc, chiến cuộc Thu - Đông đã giáng cho quân Pháp những đòn chí mạng…
- Thưa cô. Thế lực quân Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ còn hùng hậu lắm - ông Cử lắc đầu, có ý phản bác những điều Cam vừa nói - Vụ quân Pháp nhảy dù xuống Phương Đình, Ba Thấu vừa rồi khiến Việt Minh bị mất chỗ đứng…
- Pháp nhảy dù trong thế yếu. Nó chứng tỏ Pháp phải chống trả với Việt Minh ở ngay sát nách Hà Nội. Theo nhận định của thượng cấp, sắp tới Pháp sẽ thiết lập một hệ thống đồn bốt dọc tả ngạn sông Điền, lập chế độ tề nguỵ để bảo vệ vòng ngoài Hà Nội và khống chế Việt Minh ở vùng tự do Liên khu Ba. Làng Động của ông là một điểm lập bốt của địch.
- Vâng, thưa cô. Bọn chúng đang chọn đình Đụn làng tôi để lập bốt. Các cụ phụ lão trong làng đang có đơn kêu lên quan phủ, quan tỉnh, phản đối.
- Thưa ông Cử. Tôi được thượng cấp chỉ thị đến gặp ông để bàn về chuyện này. Chúng ta phải tương kế tựu kế. Địch muốn thiết lập hệ thống chính quyền cai trị ở vùng tề, thì Việt Minh cần biến hệ thống đó thành cơ sở của mình để phục vụ kháng chiến. Vậy là chúng ta phải có một đội ngũ những người làm việc hai mang, ban ngày làm việc với địch, ban đêm là người của ta.
- Tôi hiểu… Nhưng đây là một công việc không dễ dàng…
- Để làm được việc này, Việt Minh phải dựa vào những người yêu nước như ông, như các bạn của ông là các ông Hội Thiện ở Nghi Sơn, ông Đồ Sắc ở Chi Hạ, ông Lang Kiêu ở Trầm Bồi…
Ông Cử Phúc tròn mắt, nhìn Cam đầy kinh ngạc.
- Ủa, sao cô lại biết những người bạn của tôi?
- Không có việc gì mà Việt Minh chúng tôi không biết - Cam nháy mắt, cười, nụ cười vừa tinh nghịch vừa đẹp đến mê hồn - Chúng tôi còn biết tuần trước tay đồn trưởng Trương tổ tôm và ông đã từ chối. Trương Phiên là tay chơi tổ tôm khét tiếng lâu nay. Trong khắp huyện Phương Đình này, Trương Phiên biết chỉ có ông Cử Phúc đáng mặt là đối thủ tổ tôm của hắn mà thôi…
Ông Cử Phúc rùng mình, ớn lạnh.
- Dạ, thưa cô tôi đâu dám… Tôi không thể hầu tổ tôm ông đồn trưởng Phiên, khi các bô lão làng Động đang phản đối việc Tây lập bốt ở đình làng.
- Nếu ông nhận lời làm lý trưởng làng Động theo sự bố trí của Việt Minh; thì ông lại cần phải chơi tổ tôm với đồn trưởng Phiên để nắm được nhiều thông tin của địch. Nhân đây xin lưu ý với ông rằng viên đồn trưởng Tây lai Trương Phiên mới gia nhập làng Tây, là một hạt giống mà người Pháp muốn gieo ở vùng đất này. Trước khi về đồn trú ở đây, Trương Phiên đã tham gia trận càn ở vùng Khu Trắng và đã phạm một tội ác tày trời…
- Tôi biết vụ sát hại này - ông Cử thở dài - Chính tay Trương Phiên đã bắn chết ba mươi du kích rồi chặt đầu treo lên cành đa giữa đồng Trầm Khê.
- Nợ máu này phải trả - Giọng Cam đanh lại - Theo chỉ đạo của thượng cấp, tên ác ôn này ta muốn khử lúc nào cũng được nhưng vì hắn là một đầu mối quan trọng nên ta cần khai thác. Vì thế nhiệm vụ của ông Cử là phải kết thân với hắn. Càng tỏ ra thân thiết càng tốt. Tiếp cận kẻ địch tốt nhất lúc này lại là lực lượng nhân sĩ trí thức như các vị. Chính vì vậy thượng cấp rất muốn ông vận động các ông Đồ Sắc, Lang Kiêu, Phó Đại nhận làm các chức sắc cho địch. Đặc biệt thượng cấp muốn nhờ ông thuyết phục người bạn kết nghĩa của ông là ông Hội Thiện ra làm Chánh tổng cho Pháp để có điều kiện giúp đỡ Việt Minh…
Ông Cử Phúc nhìn Cam đầy thán phục. Không cái gì qua mặt cô ta được. Đúng là Hội Thiện là bạn chí cốt của ông, thân nhau tới mức sẵn sàng đổi vợ như Lưu Bình - Dương Lễ ngày xưa. Hai người cùng là môn đệ ruột của thầy Đồ Chuông, người bị lỡ chuyến Đông Du với Nguyễn Thượng Hiền vì vướng tang mẹ, đành về quê ở ẩn, mở trường dạy học. Hội Thiện và Cử Phúc từng cắt máu ăn thề với nhau ở chùa Phổ Hướng, kết nghĩa huynh đệ suốt đời sướng khổ, hoạn nạn có nhau.
- Theo tôi biết, người Pháp đã đích thân gặp ông Hội Thiện bạn tôi ba lần, tha thiết mời ông ấy ra làm Chánh tổng, nhưng bạn tôi từ chối - ông Cử nói.
- Vậy thì ông hãy khuyên ông Hội Thiện nhận làm Chánh tổng đi. Pháp đang rất cần sự hợp tác của các nhân sĩ trí thức đã từng được đào tạo ở các trường do người Pháp xây dựng, lại từng giao du với các văn thân yêu nước. Ông Hội Thiện là người mà Pháp rất cần lôi kéo, tranh thủ. Nếu ông Hội Thiện nhận vào tổ chức Việt Minh để lọt vào hàng ngũ Pháp là một hành động yêu nước lúc này. Việt Minh sẽ có người liên lạc và có các chỉ thị với ông Hội Thiện bất cứ lúc nào. Chính phủ Cụ Hồ sẽ có ghi nhận và có phần thưởng xứng đáng khi nước nhà độc lập.
Cuộc trò chuyện bí mật với người đại diện của Việt Minh đã tạo một bước ngoặt trong đời ông Cử Phúc, đưa ông từ một nhà nho yếm thế có tư tưởng yêu nước chung chung thành một người dám dấn thân, hành động, từ một người bàng quan, đứng ngoài cuộc kháng chiến thành người của Việt Minh, nhận những chỉ thị của Việt Minh để hoạt động trong vùng tề. Hai tháng sau cuộc gặp gỡ với Cam, ông Cử Phúc đã nhận chức lý trưởng càng Động, chính thức mang tên Lý Phúc, tập hợp quanh mình một hệ thống chức dịch có chung chí hướng như ông: Hoạt động hai mang, ban ngày, bề ngoài thì làm việc cho chính quyền bù nhìn tay sai của thực dân Pháp, nhưng thực chất là người của Việt Minh cài cắm vào hàng ngũ địch. Những người bạn của ông như Đồ Sắc, Lang Kiêu, Chánh Thạp, Cửu Cao, Hội Thiện cũng đều được Việt Minh cài vào hàng ngũ địch như vậy.
Nhờ sự giới thiệu của ông Cử Phúc, Cam đã làm quen với ông Hội Thiện, con quan án sát trấn Kinh Bắc, người đã ngấm ngầm ủng hộ Đề Thám trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
Hội Thiện là một trí thức kiêm điền chủ lớn, giao du rộng, bạn hữu nhiều và đặc biệt có uy tín với nhân dân trong vùng. Sau vài cuộc gặp gỡ với Cam, Hội Thiện đã tự nguyện gia nhập Việt Minh và đồng ý hoạt động hai mang, nhận chức Chánh tổng Phương Lâm, một tổng lớn của huyện Phương Đình tỉnh Sơn Minh.
***
Giả trang một người đàn bà mua lông vịt và đông nát, Cam còn trở lại gặp ông Lý Phúc vài lần nữa. Một lần để lấy thẻ căn cước cho Nguyễn Kỳ Khôi và nhận tám trăm đồng bạc Đông Dương của bẩy địa chủ yêu nước trong huyện ủng hộ chính phủ kháng chiến Việt Minh, mấy lần sau là nhận sơ đồ hệ thống bố phòng của địch ở bốt làng Động và bốt Phủ.
Còn một mục đích nữa, chuyện riêng tư nhưng vô cùng thiêng liêng và hệ trọng trong những lần Cam đến gặp ông Lý Phúc. Mãi mãi sau này, ngoài Cam ra, không ai biết được chủ đích này của nàng. Đó là nỗi khắc khoải được nhìn thấy mặt thằng Cục.
Cái thằng bé, càng lớn trông nó lại càng khác lạ so với người anh em cùng tuổi với nó. Bây giờ, khi thằng Vện và thằng Cục đã lên mười và cùng theo học ở trường làng, chúng khác nhau như thìa với bát nhưng lại dính nhau như hình với bóng. Thằng Vện ẻo lả thư sinh, còn thằng Cục cao kều, mặt như Tây lai, mắt xanh, tóc xoăn râu ngô.
Nhiều người ở làng Động xì xầm với nhau rằng thằng Cục hao hao giống đồn trưởng Trương Phiên. Gã đồn trưởng Tây lai này khét tiếng cả vùng không chỉ về vẻ ngoài đẹp trai dễ làm xiêu lòng các cô các bà mà còn cả về sự hiếu sắc và tàn bạo của gã. Trong bất cứ cuộc càn quét tìm diệt nào, tay chân của gã cũng tìm ra một vài cô gái đẹp để dáng cho gã. Và bao giờ sau khi thưởng thức xong, gã cũng có cái thú là tháo khoán cho lũ đệ tử chơi hội đồng để gã vừa uống rượu vừa thưởng ngoạn. Bằng những chiến công tìm diệt du kích, xoá sổ nhiều ổ cộng sản, gã đã liên tục được gắn mề đay, thăng chức, được điều từ đơn vị lính cơ động về giữ chốt phòng thủ vành đai quanh Hà Nội. Ngay từ ngày đầu về đóng bốt làng Động, ai gặp đồn trưởng Trương Phiên cũng liên tưởng đến thằng Cục. Đặc biệt là ông Cử Phúc. Lần đầu tên đồn trưởng dẫn lũ lâu la đến nhà rủ ông đánh tổ tôm, ông kinh ngạc quá suýt kêu lên. Sao ông đồn trưởng này lại có nét hao hao giống thằng Cục con ông? Cũng một khuôn mặt Tây lai không nhầm lẫn được, đặc biệt là cái mũi thẳng dọc dừa, đôi mắt hai mí sâu phơn phớt xanh. Chỉ có điểm khác duy nhất là trán thằng Cục hơi ngắn và hẹp, trán ông đồn trưởng cao và gồ lên, dữ dội. Cũng may mà hôm ấy ông Cử Phúc trấn tĩnh lại được, và cũng may hôm ấy thằng Cục và thằng Vện đi học vắng, cho nên chính đồn trưởng Trương Phiên cũng không biết câu chuyện giống nhau kỳ lạ này.
Cam chú ý đến thằng Cục ngay từ lần đầu giả trang làm người đàn bà chứa tìm gặp ông Cử Phúc. Dường như đó mới là mục đích chính của nàng chứ không phải là nhiệm vụ của người cán bộ Việt Minh. Lần gặp thằng Cục đầu tiên ấy, Cam bàng hoàng lặng lặng, tưởng chừng tim nàng như ngừng đập. Nàng loạng choạng chực buông chiếc tay nải bên vai. Nàng phải đứng dựa vào gốc cây xoan cho khỏi ngã. Tự dưng những giọt nước mắt nối nhau chảy. Trong làn nước mắt nhoè mờ, nàng hình dung ra cái buổi chiều gió bấc ràn rát năm nào…
Có những lần, Cam không đến gặp ông Cử Phúc, mà chỉ đến để ngắm nhìn thằng Cục. Nàng không dám đến gần mà phải ngắm thằng bé từ xa, lúc nếp bên bụi tre đầu ngõ, lúc giả vờ nhồi sau đống rơm, lúc giả đò xuống rửa ở cầu ao. Rất ít khi thằng Vện tách rời khỏi thằng Cục. Chúng cùng nhau đi học về. Chúng tha thẩn bên bờ ao rình bắt những con châu chấu hoặc dùng hoa mướp vàng buộc vào cần câu để nhử những chú ếch cốm. Có lúc chúng chơi khăng, hoặc đi tìm những chạc cây và mọc bên mép nước để làm súng cao su. Buồn cười nhất là một lần Cam bắt gặp hai đứa chơi trò đái thi. Chúng đứng ở bờ ao, cùng tụt quần, cùng kéo chìm ra rồi thi nhau ưỡn người đái vào hai chiếc lá khoai nước xem đứa nào vừa đái xa vừa xuyên thủng được lá khoái. Cam để ý trong những cuộc chơi, bao giờ thằng Cục cũng tỏ ra thành thạo. Rõ ràng Cục đái xa hơn Vện. Nó nhanh nhẹn và đặc biệt hiếu động. Thằng Vện có vẻ phát tướng về văn, còn thằng Cục lại đặc biệt có tướng mạo và tư chất theo nghiệp võ. Càng ngắm, Cam lại càng thấy nó giống con người ấy lạ lùng.
Sao tạo hoá lại nghiệt ngã đến nhường kia? Nàng đã tàn nhẫn và thú tính đến mức đang tâm vứt bỏ nó như vứt bỏ nắm rẻ rách ngoài đồng, vậy mà nó vẫn sống, vẫn lồng lộng như một thiên thần. Sao tạo hoá không cho nó một dáng vẻ bình thường mắt đen, tóc đen, mũi tẹt như bao đứa trẻ khác của xứ sở này mà lại bắt nó phải mang tiếp hình hài của kẻ đang gây đau thương tang tóc, kẻ nợ máu với dân tộc nàng?
Quả là một trớ trêu của định mệnh, một trừng phạt khắc nghiệt với riêng nàng. Những ý nghĩ khiến trái tim nàng đau buốt. Nàng vừa hạnh phúc khi nhận ra giọt máu bỏ rơi của mình đã có một nơi nương tựa tin cậy, lại vừa dằn vặt, đau đớn khi biết mình đã vĩnh viễn mất nó.
Rình mãi, rồi Cam cũng tìm được cơ hội để gặp riêng thằng Cục.
- Này Cục. Cô trông cháu chằng giống con nhà ông bà Cử Phúc tẹo nào. Cháu là con nuôi phải không? - Cam đón đầu thằng bê lúc nó đang đuổi bắt một con nhái để làm mồi câu.
Cam cho nó gói kẹo caramen để làm quen. Lúc đầu, thằng Cục tỏ ra đặc biệt thích thú với thứ kẹo bọc giấy mà lần đầu trong đời nó được thấy, nhưng khi nghe đến chuyện con nuôi con đẻ thì nó trừng mắt, phẫn nộ:
- Bà chỉ nói bậy. Tôi với anh Vện là hai anh em sinh đôi.
- Cháu thử soi gương mà xem. Hai đứa chằng giống nhau tẹo nào… Với lại, cháu có một cái bớt màu lông chuột ở dưới rốn mà thằng Vện không có. Các bạn trong xóm hay bảo cháu là thằng con hoang nhặt ngoài bụi tầm xuân trên gò ông Đống, đúng không?
Thằng Cục cụp mắt xuống, vẻ mặt buồn thiu. Nó lén quay người, tụt quần nhìn nhanh xuống dưới rốn. Sao người đàn bà này lại biết cái bớt ở dưới rốn nó nhỉ? Người này đã nhìn thấy nó tắm ở ao đình hay bà ta là một phù thuỷ? Bà ta lại còn biết rõ cả bọn trẻ con trong làng nữa chứ. Đúng là bọn trẻ láo lếu, nhất là thằng Ngạnh vẩu con nhà Ngao hay gọi nó là thằng con hoang, thằng bị quạ thả ngoài đồng.
- Cô nói đùa thế thôi… - Cam bỗng nghẹn ngào.
Cử chỉ ấy khiến thằng Cục chú ý. Người đàn bà này thật lạ lùng. Phải cảnh giác. Bà ta lấy những cái kẹo đặc biệt quí hiếm này ở đâu để cho nó? Tặng kẹo thì phải vui lên chứ sao lại sụt sùi chực khóc thế kia?
- Này, cô bảo… Nhớ chia cho anh Vện kẹo để hai anh em cùng ăn nhé… Nhớ yêu thương nhau, đừng đánh nhau nhé…
Nói rồi Cam rút từ trong người ra một vật. Một chiếc vòng bạc có kèm chiếc vuốt hổ. Người nàng bỗng run bắn lên khi kéo thằng Cục vào lòng để đeo vào cổ nó chiếc vòng bạc. Nàng khóc. Những giọt nước mắt lớn chảy xuống tay thằng bé, khiến nó hoảng hốt vứt trả chiếc vòng, bỏ chạy.
***
Cam, chính là người mẹ trẻ đã bỏ thằng Cục ở gò ông Đống đầu làng Động mười năm về trước. Tên gọi khai sinh của nàng là Bướm, một cái tên thoạt nghe có vẻ thô lậu, nhưng lại đượm mầu phù phiếm, phong tình.
Theo lời ông Cai Sâm, bố đẻ của Bướm, thì mẹ nàng là con của một bộ tướng tài ba của nghĩa quân Đề Thám. Vào thời loạn lạc ấy, mẹ nàng mới chỉ là một cô bé mười tuổi nhưng rất xinh đẹp. Cô bé trở thành chiến lợi phẩm của một ông Đội khố đỏ, khét tiếng cờ bạc. Đêm trước trận đánh vào khu căn cứ Bố Hạ, đối thủ của Cai Sâm bị thua cháy túi, phải gán đứa con gái chiến lợi phẩm cho Cai Sâm. Hôm sau, ông Đội khốn khổ ấy chết trận. Cai Sâm đem cô gái gửi một người bà con ở vùng Đáp Cầu nhờ nuôi, với ý định đợi lớn một chút sẽ dùng làm thê thiếp. Và Cai Sâm không phải đợi lâu. Vài năm sau, khi Cai Sâm giải ngũ, cũng là lúc trái cấm vừa chớm thì. Ông kịp nếm mùi của lạ. Nàng có thai. Đợi tiếp một năm, đủ thời gian mẹ tròn con vuông, Cai Sâm giữ lại đứa con gái xinh xẻo, gửi người nuôi tiếp, còn người mẹ trẻ đem bán cho một quan lang ở Mường Bi, lấy mười đồng bạc hoa xoè.
Trong cuộc đời binh nghiệp, Cai Sâm có hàng tá vợ, hàng đống con rơi, nhưng chỉ có Bướm, đứa con với người con gái xinh đẹp mang máu huyết anh hùng của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, được Cai Sâm mang về. Ông nói dối người vợ sư tử Hà Đông rằng Bướm là con gái yêu của người bạn cùng quân ngũ đã từng lấy thân mình cứu sống ông trong trận bọn quan binh Pháp lùa những người lính khố đỏ vào thiên la địa võng của núi rừng Yên Thế.
Càng lớn, Bướm càng đẹp lồ lộ. Mười lăm tuổi, nàng đã phổng phao hơ hớ như cô gái mười tám. Nhiều chàng trai chỉ ước ao được lọt vào mắt nàng. Vợ chồng Cai Sâm bỗng lên giá. Hệt như chuyện vua Hùng ngày xưa. Vừa có ý định kén rể, các Sơn Tinh, Thuỷ Tinh đã lục tục kéo đến. Có những ông Phán, bà Hàn, bà Đốc quen biết Cai Sâm từ đời tám hoánh, nay bỗng đánh tiếng muốn làm thông gia. Thế rồi chàng Sơn Tinh đã xuất hiện. Người ấy là Trương Phiên, con trai út của ông Bếp Tảo, bạn cùng quân ngũ với Cai Sâm. Bếp Tảo đi lính khố đỏ, biên chế chủ yếu ở đơn vị hậu cần. Do có tài nấu nướng, lại là chỗ họ hàng với quan Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, nên thường được mời làm đầu bếp trong các buổi đại tiệc các quan Nam triều tiếp các quan nước mẹ Đại Pháp. Có một câu chuyện đàm tiếu về Bếp Tảo thời kỳ ấy. Ấy là thời gian ông lấy bà Tư Nguyệt. Thị Nguyệt vốn là một me Tây nổi tiếng ở vùng Đáp Cầu. Trước khi biết Bếp Tảo, Thị Nguyệt đã là nhân tình của viên quan ba Pháp Fournier. Khi Thị Nguyệt có mang một tháng thì viên quan ba Fourmer phải điều chuyển đi chiến trường Angiêri. Biết vậy nhưng vì cần xâm nhập vào giới thượng lưu Pháp, Bếp Tảo sẵn sàng chấp nhận việc quan ba Fournier đúc cốt để mình tráng men. Rất mừng là Trương Phiên sinh ra không mang trong mình dòng máu oẳn tà oằn Phi châu mà là sắc trời xanh trong mắt, mầu đặc trưng của vùng Địa Trung Hãi, miền Nam nước Pháp. Mặc miệng lưỡi thế gian, theo câu cách ngôn phương Tây: "Chó cứ sủa, đoàn người cứ tiến", ông Bếp Tảo và bà Tư Nguyệt cùng với cậu con trai Trương Phiên vẫn đạp trên dư luận, thẳng tiến vào giới thượng lưu.
Mười chín tuổi, Trương Phiên theo nghiệp cha tráng men vào học trường võ bị Sơn Tây. Ra trường với một bông mai vàng trên ve áo, gặp Bướm lần đầu tiên, chàng Tây lai đẹp ngời ngợi, cao một mét bẩy mươi nhăm, mẫu người lý tưởng cho các võ quan tương lai, như người bị bắt mất hồn. Đáp lại, Bướm cũng như một con thiêu thân, lao hết mình về phía ngọn đèn. Suốt tháng giêng hai, họ quấn lấy nhau, đưa nhau từ hội chùa Hương đến hội chùa Thầy. "Gái chưa chồng đến hang Cắc Cớ. lai chưa vợ đến hội chùa Thầy". Hang Cắc Cớ, là cái hang định mệnh của Bướm. Ở đó, nàng đã trao thân cho Trương Phiên.
Khi Bướm có mang đến tháng thứ hai thì chàng Trương Phiên bỗng lặn một hơi vô tăm tích. Lý do là ông Bếp Táo được Chính phủ bảo hộ tặng Bắc Đẩu bội tinh, được Chính phủ Nam Triều tặng hàm thất phẩm và được điều chuyển về Hà Nội. Lọt vào Hà Thành hoa lệ, Trương Phiên bỗng bị vây bủa, bị choáng ngợp bởi thế giới thượng lưu với hàng trăm tiểu thư khuê các. Ba tháng sau, chàng sĩ quan tương lai của Chính phủ bảo hộ làm lễ đính hôn với nàng Kiều Nhi, con gái quan Tham tá Bùi Tử Do, một yếu nhân của Hội đồng Dân biểu Bắc Kỳ.
Cái Sâm như người bị ỉa vào mặt, mấy lần mang cây súng kíp chĩa vào giữa ngực Bướm định bóp cò. Rồi ông gầm lên như con cọp bị trúng thương, vứt khẩu súng như vứt một que củi vớ chai rượu ngang tu ừng ực. Bướm muốn phát điên. Nàng trốn cha, bỏ nhà đi lang thang vào trong tít vùng núi Kim Bôi, Hoà Bình.
Cái thai, như một nghiệp chướng, suốt chín tháng trời quăng quật, thậm chí bị đày ải, bị nguyền rủa, bị hành hạ, cuối cùng mới chịu chui ra và bị Bướm vứt ở bụi tầm xuân gò ông Đống làng Động. Vứt con đi rồi, nàng mới thấy hành động của mình là điên rồ, là mất nhân tính. Chiều tối, với lòng hối hận tột cùng và sự dày vò của lương tâm, nàng trở lại tìm con, nhưng thằng bé đã bặt vô âm tín. Hoảng loạn, điên khùng, nàng băng qua cánh đồng, lao ra bờ sông và nhảy ùm xuống dòng nước buốt giá.
Hệt như trong truyện cổ tích. Đêm trăng suông giá rét ấy, vợ chồng người kéo vó bè trên sông đã cứu sống Bướm. Biết được cảnh ngộ éo le của nàng, họ đến gặp sư cụ chùa Phổ Hướng, một ngôi chùa cổ trơ trọi giữa đồng, xin cho nàng ăn mày cửa Phật.
Mười bẩy tuổi, Bướm xuống tóc, lấy pháp danh Thích Đàm Hiên.
Những năm 1939-1940, phong trào Dân chủ và Mặt trận Bình dân tan rã, Pháp trở lại đàn áp phong trào cách mạng ở thuộc địa. Chùa Phổ Hướng, nằm ở ven sông, xa làng, bốn bề bao bọc bởi luỹ tre ken dày song mây và um tùm bóng cổ thụ, trở thành cơ sở bí mật, nơi nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng.
Ni sư Thích Đàm Hiên bản tính hiếu động, quyết liệt, tràn trề đam mê, khám phá, dù không tự giác, mặc nhiên dần thành cầu nối, giao liên giữa những người cộng sản.
Và rồi, sự nghiệt ngã của định mệnh một lần nữa lại kéo ni sư Thích Đàm Hiên trở về với cõi tục. Nàng yêu Lê Thuyết, uỷ viên Liên khu uỷ Hữu ngạn, một chiến sĩ cách mạng trung kiên. Nàng tình nguyện gia nhập tổ chức cộng sản của Lê
Thuyết và theo anh rời chùa Phổ Hướng đi hoạt động ở các xóm thợ, vùng quê.
Từ đây, với mật danh Đào Thị Cam, ai sư Thích Đàm Hiên, tức cô Bướm ngày xưa, thực sự trở thành người của Việt Minh, hoạt động trong một đường dây bí mật khắp các tỉnh châu thổ sông Hồng.
***
Từ ngày thằng Cục gặp người đàn bà tên Cam, tính tình nó bỗng nhiên đổi khác. Chiếc vòng bạc nó vứt trả, đã được người đàn bà giắt ở chạc ba cây sung. Ngay sau đó Cục đã quay lại và tìm thấy. Nó cất thật kỹ chiếc vòng bạc có vuốt hổ trong một túi vải, lâu lâu lại mở ra ngắm nghía, như ngắm một thứ bùa hộ mệnh. Nó trầm lặng, ít nói và hay tách rời thằng Vện, tha thẩn đi chơi một mình.
Cục thường xem lại cái bớt màu lông chuột ở dưới rốn nhiều lần và cứ vơ vẩn nghĩ về những điều mà người đàn bà lạ đã nói với nó. Rồi không thể đừng được, Cục mang mối hoài nghi này hỏi bà nội. Bà Đồ Kha vốn không biết nói dối bao giờ. Bà ngạc nhiên về cái vòng bạc và người đàn bà đã tặng thằng Cục vật quí. Bà thú nhận rằng thằng Cục đúng là được sinh ra từ bụi tầm xuân gò ông Đống.
- Nhưng ai đẻ ra cháu hở bà? Vẫn là mẹ Phúc đấy chứ?
- Thì mẹ Phúc chứ còn ai nữa? Cháu với anh Vện vẫn là anh em sinh đôi mà… Mà này, đừng nghe ai xui nữa nhé. Gặp người đàn bà ấy thì hãy tránh xa ra cháu nhé… - Bà Đồ Kha giải thích qua loa rồi vội đánh trống lảng sang chuyện khác.
Ý nghĩ về nơi sinh của mình luôn trở đi trở lại trong giấc ngủ của thằng Cục. Nó mơ tưởng đến gò ông Đống như con chiên mơ về vùng đất thánh. Và rồi, như câu chuyện Thạch Sanh bà Đồ Kha thường kể cho các cháu nghe, Cục cũng có khát vọng như chàng Thạch Sanh muốn trở lại gốc đa xưa nơi đã sinh ra mình. Nó lầm lùi ra bờ ao đẵn một cây trúc bánh tẻ thật già, chọn một đoạn thật thẳng, dài hai sải tay, lừa lúc giữa trưa, thằng Vện và cả nhà thiu thiu ngủ, một mình nó ra gò ông Đống. Khóm tầm xuân trên gò giờ đã trở thành một búi to rậm rạp. Bọn trẻ chăn trâu thường bảo nhau tránh xa bụi tầm xuân này vì sợ trong đó có ma quỉ. Nhưng thằng Cục cóc sợ Nó cần phải biết nơi đẻ ra nó như thế nào. Với dũng khí của chàng Thạch Sanh, nó lom khom bò lên gò ông Đống, tiến đến sát bụi tầm xuân. Chà chà, những đoá tầm xuân cánh trắng, nhị vàng giống như loài hoa hồng trắng thơm điếc mũi. Mẹ nó thật khéo chọn, nơi sinh hạ nó thật là độc đáo. Những cây tầm xuân vươn dài ra, uốn cong, tạo thành một vòm, kín, như vòm cung điện.
Cục đảo quanh bụi tầm xuân một vòng. Tự nhiên nó nảy sinh một nỗi ham muốn bồng bột rất trẻ con là được chui vào nằm giữa bụi tầm xuân, giữa vòm cây ken dày lá xanh và hoa trắng thơm ngát, giữa trưa nắng mà vẫn râm mát như một cung điện, nơi mười năm trước nó đã được sinh ra, xem cảm giác êm khoái đến mức nào. Bằng một động tác rất thận trọng, nó ép người xuống cỏ, đưa chiếc gậy trúc vào giữa bụi, gạt mấy cành gai và từ từ trườn vào.
Cục nhắm mắt lại. Hai cánh mũi nó mở thật to, hít thật sâu mùi hương thanh khiết, nồng nàn của hoa tầm xuân. Nó tưởng tượng mình đang ở trong một cung điện nguy nga đầy hương thơm và tràn ngập những hào quang. Hình như đâu đây có tiếng xiêm áo sột soạt. Hình như những nàng tiên với những tà áo dài tha thướt như suông khói đang từ trong cung điện tiến ra chào đón nó.
Bỗng, búp. Một tiếng kêu rất nhẹ. Bàn tay trái thằng Cục buốt nhói. Một con rắn hổ trâu đen trũi loáng qua mắt Cục.
Toi rồi. Nó vừa bị rắn mổ. Phản xạ đầu tiên của thằng Cục là toại người ra khỏi bụi tầm xuân, lăn một vòng xuống chân gò.
Chỉ nửa tiếng nửa, nó sẽ chết. Y nghĩ ấy khiến Cục rùng mình, toát hết mồ hôi. Nó dùng bàn tay phải nắm chắc cổ tay trái để nọc không chạy lên tim. Thấy. không an toàn nó cởi dây rút quần quấn quanh cánh tay mây vòng thật chặt.
Khi thằng Cục chạy về đến cổng nhà, cũng là lúc nó ngất xỉu, mắt trợn ngược không biết gì. Ông Cử Phúc lao thẳng từ trong nhà ra, ôm lấy thằng con.
Bằng linh tính nghề nghiệp, ông biết phải làm gì. Chỉ chậm vài phút nữa, thằng bé sẽ chết. Cánh tay trái thằng Cục sưng vù, tím đen. Ông Cử Phúc chích tĩnh mạch nặn máu nhiễm độc và bằng thứ thuốc đặc hiệu gia truyền, ông cho Cục uống để tiêu nọc, trợ tim.
Thằng Cục được cứu sống, nhưng từ đó, tai nó bị nghễnh ngãng, tay trái bị teo cơ, suốt đời mềm oặt như dải khoai nước.
Cũng từ đó, không bao giờ Cục đặt chân đến gò ông Đống. Nó cố quên cái nơi nó sinh ra, cố quên người đàn bà đã xui nó tìm ra gò ông Đống để khiến nó tật nguyền suốt đời.