Thời của các thánh thần (phần 1)


Nghe tin ngôi từ đường chi họ Nguyễn Kỳ chuẩn bị được tái dựng lại, khắp huyện Phương Đình bàn tán xôn xao rằng ông Cục, tên huý là Nguyễn Kỳ Quặc, con nuôi của ông bà Lý Phúc, đào được lọ vàng dưới gầm bàn thờ tổ.
Không vớ được của, làm sao một lão vừa điếc vừa què, cánh tay mềm oặt lủng lẳng như cái dẻ khoai nước, với một bà vợ ốm ho và một đàn con lúc nhúc, vắt mũi không đủ vứt vào mồm, bỗng dưng bỏ ra hàng mấy chục cây vàng để mua lại sáu ngôi nhà của bà con nông dân được chia hồi cải cách ruộng đất, rồi đùng một cái, phá dỡ sạch bách không còn đến một cái móng, để chuẩn bị xây khu từ đường mới, nghe nói không thua kém gì Văn miếu Quốc Tử giám ngoài Hà Nội? Thì ra ông trời cũng có mắt cả đấy. Người ta là con nuôi con đòi, chẳng máu mủ ruột rà gì, nhưng ăn ở có nhân có đức, ắt Trời Phật độ trì.
Người ta bịa ra hẳn một câu chuyện rất li kì. Rằng một đêm kia, đang ngủ, ông Cục bỗng ngồi vục dậy người toát hết mồ hôi, chân tay bủn rủn. Rõ ràng ông vừa nhìn thấy một người mặc toàn đồ trắng, râu tóc dựng ngược đang trồng cây chuối trước gian giữa nhà thờ tổ. Hoảng hốt, ông Cục lấy tay che mặt không dám nhìn. Đúng là ông Lý Phúc, bố nuôi của Cục, đã chết trong vụ đấu tố đợt một thời cải cách ruộng đất.
- Cục ơi, thầy đây mà, đừng sợ… - Người trồng cây chuối bỗng cất lên tiếng trầm khàn, tiến đến gần Cục.
- Con lạy thầy, thầy sống khôn chết thiêng, thầy hiện về đây dạy bảo vợ chồng con điều gì? - Cục cầm bàn tay bị liệt đưa lên, vái lạy rối rít - Con cắn rơm cắn cỏ lạy thầy. Con chỉ đấu tố thầy một buổi thí điểm… Con không gây nên cái chết cho thầy… oan con lắm thầy ơi…
Bóng áo trắng bỗng cất tiếng cười vang. Tiếng cười trong đêm rờn rợn như tiếng tre đưa ken két ngoài bờ ao.
- Chuyện cũ qua rồi. Con đừng cả nghĩ. Thầy biết mà. Thời cuộc lúc ấy nó khốn nạn thế. Tránh không được. Toàn bọn dòi bọ cua ếch lên làm người. Thế nên thầy tự chọn lấy cái chết. Một cái chết không toàn thây, cái chết đau đớn nhất…
- Vâng. Con thấy em Hậu nằm vắt trên bậc cửa, nghĩ nó chết, con hoảng quá. Đến khi nhìn thấy thầy treo ngược thân từ trên xà nhà thì con thất kinh…
- Tự thầy nghĩ ra cách chết ấy đấy. Thầy bắc thang trèo lên cái chếnh nhà kia, lấy sợi thừng trâu buộc chặt vào ngón chân cái tính đoạn thừng vừa đủ khoảng cách nối người với mặt đất, rồi thầy đâm đầu xuống…
- Lúc ấy con vừa ở nhà kho về. Đội cải cách bắt đầu nghi ngờ con, chỉ cho con canh nhà kho ban ngày. Vừa mở cửa bước vào con liền kêu thét lên, tưởng ma hiện trong nhà thờ. Chân thầy treo lơ lửng trên đoạn dây thừng, nối với xà nhà, đầu thầy gieo xuống nền gạch, vỡ ra, óc trắng xoá hoà với máu thâm đen trên sàn. Một cái chết không toàn thây.
- Cảm giác gieo đầu xuống đất là một cảm giác mạnh, thú vị biết bao. Thầy không treo cổ chính là muốn được hưởng cảm giác mạnh, muốn được chết không toàn thây… Nhưng thôi, chuyện cũ rích rồi. Những kẻ bày đặt ra cảnh con giết cha, vợ giết chồng giờ đã chết cả rồi. Cho qua chuyện cũ đi con…
- Dạ vâng… Nhưng… thầy còn oan ức gì? Sao thầy lại về… - Giọng ông Cục bỗng run bắn.
- Đã bao nhiêu năm thầy nung nấu về điều này… Bây giờ mới dám nói với con… Lẽ ra thằng cả Khôi, thằng hai Vỹ, thằng ba Vọng phải lo việc này. Nhưng chúng là những kẻ phát vãng, vong bản. Chúng không thiết đến quê hương, không coi trọng gia đình, thậm chí chỉ nghĩ đâu đâu, thế giới đại đồng, không muốn có tổ quốc nữa… Thầy đau lắm…
- Các anh ấy đi làm cách mạng… Con đui què mẻ sứt nên mới quẩn quanh xó bếp.
- Ba thằng anh con, mang tiếng là con đẻ của thầy u, nhưng coi như vứt. Thằng Nguyễn Kỳ Khôi là trưởng, nhưng thầy từ nó rồi. Thằng hai Nguyễn Kỳ Vỹ mặt trắng thư sinh, thuộc loại "lập thân tối hạ thị văn chương". Loại người như nó suốt đời chỉ bồi bút thì được chứ không bao giờ được tin dùng. Hiền lành như thằng ba Vọng, thì lại phát vãng, vật vờ lê lết quê người… Chỉ còn con thôi, Cục ạ. Con mới là người hiếu đễ trông nom hương hoả. Vì thế thầy mới bàn với con về việc dựng lại ngôi từ đường chi họ Nguyễn Kỳ… Ngôi nhà cốt nhất cái nóc. Dòng họ cốt nhất mồ mả tổ tiên, bàn thờ gia tộc. Không có những điều linh thiêng đó, còn chi cái giống người? Thấy chi họ Nguyễn Kỳ nhà ta phát tán đi muôn nơi, anh em thù ghét nhau, thầy đau buồn lắm. Thầy chết mà không siêu thoát được con ạ…
- Lạy thầy đã dạy. Con tuy không phải do thầy u đẻ ra, nhưng ơn dưỡng dục còn hơn cả công sinh thành. Ngày nhỏ con được thầy cho học ít chữ thánh hiền, con phần nào cũng hiểu được đạo lý làm người…
Bóng áo trắng lại cười khà khà, ra chiều đắc ý:
- Thế cho nên thầy mới trông giỏ bỏ thóc… Bao nhiêu năm dạy học và bốc thuốc, thầy có tích góp được một ít vàng. Thầy chôn ở chân cột nhà thờ… Số vàng ấy đủ cho con chuộc lại đất của mấy hộ ông bà cố nông và sửa sang lại ngôi từ đường chi họ Nguyễn Kỳ…
Câu chuyện người và ma gặp nhau như chuyện Liêu Trai ấy, không biết do ông Cục kể lại hay ai đó sáng tác ra mà một dạo cứ xầm xì lan đi khắp làng Động. Phần sau câu chuyện có thể do nhiều người đơm đặt, chứ phần đầu thì đích thị là của ông Cục. Chuyện ông Cục vẫn thường gặp bóng người quần áo trắng trồng cây chuối trong nhà thờ là chuyện hoàn toàn có thật, nhất là những năm sau cải cách và thời kỳ thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Ông thì thào với vợ. Ông vừa thắp hương lầm rầm khấn vái vừa thuật lại với bà Lý Phúc. Ông kể bô bô ngoài đồng: "Tôi nói sai tôi là con chó. Ông cụ thiêng lắm. Tuần đầu tháng nào ông cụ cũng hiện về. Lạ lắm. Bao giờ ông cụ cũng mặc bộ quần áo trắng toát và đứng trồng cây chuối giữa nhà".
Câu chuyện như một ám ảnh ma quái khiến không ai dám bén mảng đến năm gian nhà thờ. Riêng bọn trẻ con lại càng khiếp đảm, cứ chập tối là xuống bếp bám lầy váy mẹ, thấy con đom đóm bay vào nhà thờ là sợ vãi đái ra quần.
Những người không tin chuyện thần thánh tà ma thì lại muốn giải mã việc xây dựng từ đường chi họ Nguyễn Kỳ theo một hướng khác. Họ tập trung vào người con cả của ông Cử Phúc là Nguyễn Kỳ Khôi, một nhân vật có quyền chức, địa vị, người thành đạt nhất của chi họ Nguyễn Kỳ dưới chính thể nhà nước Xã hội chủ nghĩa.
Công bằng mà nói, rất ít người làng Động biết đến cái tên Nguyễn Kỳ Khôi. Đó là một cái tên chỉ gợi nhớ thời ấu thơ và chỉ những người trong gia đình thỉnh thoảng còn nhắc tới.
Nguyễn Kỳ Khôi là con bà vợ cả ông Cử Phúc. Năm Khôi hai tuổi thì bà cả mất vì hậu sản. Ông Cử Phúc lấy bà Vũ Thị Ân, con gái út cụ đồ Hanh bên kia sông làm vợ kế. Bà Ân sinh được hai con trai là Nguyễn Kỳ Vỹ, Nguyễn Kỳ Vọng và cô con gái út Nguyễn Thị Kỳ Hậu. Năm anh cả Nguyễn Kỳ Khôi mười lăm tuổi thì Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Đang học năm cuối lớp đệ nhất, Khôi bỏ, xung vào đội quân tuyên truyền của cách mạng, rồi thoát ly theo kháng chiến. Lên Việt Bắc, Khôi được tổ chức đổi tên thành Chiến Thắng Lợi, một cái tên gắn bó máu thịt với cuộc kháng chiến chống Pháp. Để có được một cái tên như thế, chứng tỏ Nguyễn Kỳ Khôi đã phải nỗ lực phấn đấu và trung thành tuyệt đối để được tin cậy đến mức nào.
Những người thuộc thế hệ chống Pháp và chống Mỹ, hầu như ai cũng biết đến cái tên Chiến Thắng Lợi, đồng chí Chiến Thắng Lợi. Có một bài báo rất có tiếng vang đăng trên tờ báo Thời Mới, ở chuyên mục "chân dung chiến sĩ" đã in một bài dài với tựa đề "Anh tôi - Chiến Thắng Lợi". Tác giả là nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ. Lần đầu tiên bạn đọc biết đến Nguyễn Kỳ Khôi, tức đồng chí Chiến Thắng Lợi là anh ruột nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ, một cây bút đang nổi như cồn với tập thơ "Thời của Thánh Thần". Tác giả kể về làng Động, về tuổi thơ của hai anh em, về cái lần anh Chiến Thắng Lợi từ vùng ATK về rủ Vỹ trốn nhà lên chiến khu Việt Bắc.
Thời kỳ cải cách ruộng đất, cái tên Chiến Thắng Lợi xuất hiện khá nhiều trên các văn bản, thông tri. Những người am hiểu về chính trị còn biết rằng sau này Chiến Thắng Lợi còn là nhà thiết kế, tác giả tinh thần của nhiều chủ trương lớn có tính chất quyết định những bước ngoặt của nền kinh tế xã hội, ví như cuộc cải tạo công thương nghiệp ở miền Bắc năm 1960, cuộc chuyển đổi kinh tế miền Nam năm 1976. Suốt những năm 1980, cái tên Chiến Thắng Lợi đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào không chỉ của làng Động mà của cả huyện, cả tỉnh quê hương ông.
Cho nên, ông Cục có tài thánh cũng không che được mắt thiên hạ. Bỏ ra tiền tỷ để chuộc lại đất khu nhà thờ, rồi lại định phá sạch bách, xây mới toàn bộ khu từ đường chi họ Nguyễn Kỳ, phi bố con ông Chiến Thắng Lợi, mấy anh em ông Vỹ ông Vọng, ông Cục có mọc thêm ba đầu sáu tay nữa cũng cóc làm nổi. Người ta cam đoan như đinh đóng cột rằng, chiến dịch "hạ cánh an toàn" và "chuyển lửa về quê" của ông Chiến Thắng Lợi không thua kém gì việc Tào Tháo chuẩn bị xây lăng mộ trước khi chết. "Các cụ nói cấm có sai. Cáo chết ba năm quay đầu về núi. Của nả, bổng lộc tích cóp suốt mấy chục năm đi làm cách mạng rồi cuối cùng cũng phải chuyển về trả nghĩa tổ tiên, vinh danh cho dòng họ…" Người ta khẳng định với nhau thế. Có người còn bảo: "Bố con ông Chiến Thắng Lợi chính là những tư bản đỏ kếch xù. Nguyên vụ đổi tiền năm 1985, biết trước đồng tiền sẽ mất giá, ông thu gom tiền bạc đổi thành vàng hết. Chỉ năm sau, đã có cả núi vàng. Rồi anh con trai cả, trùm buôn lậu ở Nga, thu gom hết hàng hoá ở khu chợ Vòm, chuyển tiền về nước kìn kìn. Mấy bố con có tới ba trang trại ở Sóc Sơn, Hoà Lạc, Bình Dương, hai biệt thự cao cấp ở Hà Nội, Sài Gòn, lại nghe nói có vài chục triệu đô la gửi ngân hàng châu âu nữa. Ông con quý tử Chiến Thống Nhất, mới hơn ba mươi tuổi, đã thành lập công ty riêng, buôn địa ốc, buôn ô tô, tiền tấn. Khác hẳn tính bố, Chiến Thống Nhất thuộc loại ăn chơi bốc trời. Một năm thay vài ba xe tô, vài ba cô bồ toàn loại người mẫu chân dài. Ngày bà cụ Lý Phúc còn sống, Nhất bảo: "Nhờ hồng phúc tổ tiên, bố cháu mới được như thế này. Rồi cháu sẽ sửa một lễ trọng trình với tổ tiên xin đổi lại họ Nguyễn Kỳ bà ạ. Cái tên Chiến Thống Nhất nghe nó… pê-đê lắm."
Bà cụ Phúc không hiểu pê-đê là gì, nhưng cụ tin rằng Chiến Thống Nhất không phải là kẻ mất gốc.

***

Gia phả họ Nguyễn ở làng Động ghi lại rằng, tổ họ chính là người họ Lý, tên huý là Lý Kỳ Phong, quê gốc ở làng Đình Bảng, xứ Kinh Bắc. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Năm Nhâm Thìn, Kiến Trung thứ tám, 1232, vì Nguyên tổ tên huý là Lý (Trẩn Lý), nhà Trần cho đổi triều Lý thành triều Nguyễn, vả lại cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng đối với nhà Lý. Cũng mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lârn, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết". Bấy giờ tổ họ Nguyễn là người nội tộc, đầu quân dưới trướng Hoàng tử Lý Long Tường con vua Lý Anh tông, đồn trú ở trấn Vân Đồn ngoài biển Đông Hải. Có tin mật báo từ kinh đô Thăng Long về âm mưu thâm độc của Trần Thủ Độ, Hoàng tử Lý Long Tường bèn bí mật tổ chức cuộc vượt biển, đưa vợ con gia đình rời bỏ đất Đại Việt. Lý Kỳ Phong được giao một nhiệm vụ đặc biệt: Thu mua hàng trăm con chó đóng cũi nhốt sẵn dưới chiến thuyền. Đây là thực phẩm trữ sẵn dành cho chuyến vượt biển dài ngày đầy hiểm nguy gian khổ. Lý Kỳ Phong đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Ngài gom được hơn năm trăm con chó tơ, chở ra Vân Đồn.
Nhưng rồi đến ngày Hoàng tử Lý Long Tường cùng gia tộc, bộ hạ dong buồm ngược hướng đông bắc nhằm nước Cao Ly khởi hành thì Lý Kỳ Phong phải ở lại vì vợ ngài trở dạ đẻ, tính mạng thập tử nhất sinh. Sau đó ngài tìm đường đưa vợ về làng Động quê ngoại đổi họ Lý thành họ Nguyễn để tránh cái hoạ tuyệt diệt.
Gia phả viết rằng kể từ thượng tổ Lý Kỳ Phong, làng Động khai sinh dòng Nguyễn Lý. Cho tới thời Mạc - Sùng Khang năm thứ 13, Mậu Dần, 1578, dòng Nguyễn Lý làng Động tách ra một chi họ Nguyễn Kỳ. Số là, vào thời kỳ đó, có ông thầy tướng người Tàu được mời về tìm đất để đặt lại ngôi mộ tổ. Do đãi đằng công sá không chu tất, ông thầy Tàu giở mặt, bèn yểm một lá bùa và truyền rằng, từ đây, anh em, bố con họ Nguyễn làng Động sẽ ganh ghét, hiềm khích, thậm chí chém giết nhau. Quả nhiên, ngay sau đó, hai ông trưởng, thứ mỗi ông theo một phe, ông chi trưởng theo quân của Thường Quốc công Nguyễn Quyện giúp Mạc Mậu Hợp chống lại nhà Hậu Lê, ông chi thứ theo quân của Tiết chế Trịnh Tùng, phò Lê diệt Mạc. Và hai anh em họ Nguyễn làng Động đã giết nhau tại cửa ngõ thành Thăng Long trong trận tử chiến tết Nhâm Thìn 1592, trận đánh quyết định kết liễu triều đại nhà Mạc.
Kể từ cuộc huynh đệ tương tàn ấy cho đến đời ông Nguyễn Kỳ phúc đã mười bốn đời. Bố ông Nguyễn Kỳ Phúc là cụ đồ Nguyễn Kỳ Kha, bạn học với Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền, người làng Bặt, từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ông Nguyễn Kỳ Phúc là con trai độc, được học hành chu đáo tham gia khoá thi nho học cuối cùng của triều Nguyễn năm 1919, đỗ Cử nhân, nhưng vì phải phụng dưỡng mẹ già, không ra làm quan, ở quê dạy học và bốc thuốc.
Khu từ đường chi họ Nguyễn Kỳ là tác phẩm nghệ thuật của quan Đốc học Nguyễn Kỳ Đồng, bố cụ Đồ Kha, ông nội ông Cử Phúc, xây dựng từ thời vua Tự Đức. Đây là một quần thể kiến trúc đậm tính Á Đông. Công trình chính, nhà thờ tổ, gồm năm gian chính điện có hậu cung hình chuôi vồ, được nối với nhà tiền tế bởi một nhà dọc, hai bên có hai giếng trời dùng làm sân hoa và dựng hòn non bộ. Nghe nói, làm công trình này, quan Đốc học đã nghiên cứu kiểu dáng Khiêm cung và Khiêm đăng do vua Tự Đức tự xây dựng cho mình ở kinh đô Huế, rồi mướn chính hiệp thợ làm Khiêm cung thi công.
Chính vì thế mà các bức chạm trổ, phù điêu ở nóc, đầu hồi, câu đầu quá giang… cho tới hoành phi câu đối đều rất tinh vi đầy tính nghệ thuật. Hai đầu hồi nhà tiền tế là hai nhà tả hữu vu, dãy làm nhà ở và thư phòng của chủ nhân, dãy làm lớp học và phòng khách. Tiếp sau đó là các dãy nhà ngang cho con sen người hầu, khu nhà kho, nhà bếp, góc xa nhất là chuồng trâu bò, lợn gà… Mênh mông như một sân vận động, lát toàn loại gạch Bát Tràng đỏ au là sân chầu, nơi diễn ra các hoạt động tế lễ và là nơi quan Đốc cùng bạn hữu chơi cờ người. Chính tại những cuộc đấu cờ người vô tiền khoáng hậu này mà nơi đây đã từng thu nhận nhiều tao nhân mặc khách. Cao thủ cờ khắp Bắc Trung Nam từng tìm đến tỉ thí. Văn nhân nghĩa hiệp mượn chén rượu cuộc cờ để tụ hội quần anh cũng nhiều. Nghe nói, bài thơ Đánh cờ người, nhại lại giọng điệu của bà chúa Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, cũng được các văn nhân Bắc Hà "sáng tác" tại đây.
Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,
Đốt đèn lên đánh cuộc cờ người…
Mới đầu vào chàng liền nhảy mã
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên
Đôi xe hà chàng gác hai bên.
Sợ chiếu hết thiếp liền gánh sĩ.
Chàng thấy thiếp đang trong thế bí.
Liền vội vàng dủ dí tốt vô cung…
Sau bức đại bình phong đắp nổi bằng gốm sứ, là một hồ sen bán nguyệt, có cầu Nguyệt Kiều nối với đảo Ngọc, trên đảo có lầu Bát Toạ, nơi để câu cá, làm thơ và thưởng ngoạn. Cả một quần thể công trình kiến trúc văn hoá rộng tới hai mẫu Bắc Bộ, tương đương bẩy nghìn mét vuông, được xây tường gạch vồ bao quanh, vừa thâm nghiêm như chốn công đường, vừa ấm cúng êm đềm như một tĩnh viên rợp bóng cây xanh và rộn tiếng chim lạ.
Cái tên "Nguyễn Kỳ Viên" chính là sự phát hiện, là quà tặng của một khách văn chương nhân chuyến đến thăm quan Đốc học Nguyễn Kỳ Đồng. Quá cảm kích và tâm đắc với quà tặng của bạn, quan Đốc học lưu bạn ở lại để lưu bút rồi sứa một cái lễ trình với tiên tổ, gọi thợ cho xây lại cổng lớn, đắp nổi ba chữ đại "Nguyễn Kỳ Viên" của khách văn lên.
Cũng nhân việc xin chữ, quan Đốc học lại được bạn khách văn viết cho ba chữ lớn "Dương Nhất Chân", sau thuê thợ mộc làng Chuồn khảm trai treo trang trọng trước ban thờ tổ Những người biết chữ nho đều đọc được, nhưng ít người hiểu được nghĩa ba chữ đại này. Người khách văn giảng giải: Đây là ý lấy trong hai câu thơ của Đại danh y Hải Thượng Lãn ông viết trên đường thượng Kinh chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm và thế tử Trịnh Cán: độn thế tòng y dưỡng nhất chân. Bất tri vi phú khơi tri bần" (Trốn đời theo nghề thuốc để giữ cái mộc mạc của mình. Không biết làm giàu há có biết chi cái sự nghèo). Ba chữ đại này còn có ý nói chi họ Nguyễn Kỳ sẽ có người theo nghề y, việc này quả ứng ngay với con cụ Đồ Kha, tức là ông Cử Phúc. Sau này, có nhà nghiên cứu thư pháp, đối chiếu mẫu tự, cho rằng người khách văn đó chính là cụ Tam nguyên Yên Đổ. Nhà thơ Nguyễn Khuyến là bạn của ông Nghè Dương Khuê, người làng Phương Đình. Ông Nghè Phương Đình lại là chỗ thông gia bạn hữu với quan Đốc học Nguyễn Kỳ Đồng. Văn chương kim cổ nhi huynh đệ, chính là vậy.
Sau vụ cụ Đồ Kha bị Tây bắt đi tù vì bị nghi một bài thơ cụ viết có tư tưởng chống đối nước mẹ Đại Pháp và nhất là sau trận ốm liệt giường cuối đời cụ đồ, kết quả của sáu tháng tù đày trong nhà lao thực dân, gia cảnh nhà ông Cử Phúc đã sa sút lắm rồi. Những thửa ruộng thượng đẳng điền ở gần làng và đàn trâu bò lần lượt bị bán đi để lo lót cửa quan, để chạy chữa thuốc thang cho cụ đồ, rồi lo tiền ăn học cho bốn cậu con trai. Sau ngày cậu cả Khôi, cậu hai Vỹ đi kháng chiến, thì tốn kém nhất lại là tiền ăn học của cậu ba Vọng. Từ lớp Đệ tứ, Vọng đã phải đi trọ học trên phủ Phương Đình. Đến khi lên Đệ nhị, Đệ nhất, Tú tài năm thứ nhất thì phải gửi ra học ngoài Hà Nội. Mỗi bồ chữ là một mẫu ruộng, một con trâu. Bà Cử Phúc suốt ngày đầu tắt mặt tối, cơm hẩm cà hưu, như cảnh bà Tú thành Nam của Tú Xương:
"Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng".
Cho tới đợt giảm tô, năm 1954, gia sản của ông bà Cử Phúc chỉ còn lại sáu mẫu, ba sào ruộng, hai con trâu, một con nghé và khu nhà thờ cổ kính có tuổi hơn trăm năm, cùng một Nguyễn Kỳ Viênu trầm thơ mộng.
Tuy cảnh nhà sa sút, nhưng ông Cử Phúc lại ngầm có sự mãn nguyện và kiêu ngạo của kẻ sĩ đắc chí. Là một đại biểu cuối cùng của nền nho học hủ lậu và yếm thế, ông Cử Phúc từng công khai thú nhận với bạn bè, đồng môn về sự bỏ đi, sự hèn nhát, bất lực trước thời cuộc của mình. Ông tự hào và kỳ vọng ở hai cậu con trai Nguyễn Kỳ Khôi, Nguyễn Kỳ Vỹ. Đó là sự kỳ vọng, sự gửi gắm, và cao hơn thế là sự dâng hiến của đời ông, gia tộc ông cho công cuộc kháng chiến, giải phóng dân tộc Rất nhiều đêm không ngủ, ông ngồi co ro trên chiếc sập gụ giữa nhà, uống trà, hút thuốc lào vặt, mắt nhìn sâu vào cõi xa xăm, tai lắng nghe tiếng ì ùng từ vùng núi Kim Bôi rất xa vọng lại. Và ông tưởng tượng ra cảnh hai thằng con trai ông đang xông pha chiến trận, đang theo bộ đội Cụ Hồ mở mặt trận Hoà Bình, Tây Bắc… Chiến thắng Điện Biên Phủ như chớp sáng chói loà, như hào quang rực rỡ, tưởng sẽ tràn ngập vĩnh cửu thế gian, tuôn tràn nhựa sống khắp làng Động, khắpNguyễn Kỳ Viên của ông Cử Phúc, nào ngờ đất trời bỗng tối sầm lại khi cơn bão đen năm Ất Mùi, 1955, ập đến.
Hai người con trai tham gia kháng chiến cũng không cứu nổi ông bố bị quy là địa chủ cường hào, không giải thoát nổi ông khỏi cuộc đấu tố long trời lở đất của ông bà nông dân đang vùng lên tiêu diệt giai cấp bóc lột. Ông Cử Phúc già sọp như một lão tám mươi. Luồng hắc phong với xú khí nồng nặc và ám khí tử thần đã đập phá tan tành Nguyễn Kỳ Viên, cuốn bay hai sân hoa kiểng với nhiều loại kỳ hoa dị thảo hàng trăm năm tuổi, đập vỡ hết thảy những bình gốm sứ, nghê rồng từ thời Lý, Trần, từ thời Minh, Thanh, Trung Quốc. Lần lượt lầu Bát Toạ, cầu Kỳ Nguyệt bị giật đổ. Từ hoành phi câu đối cho tới bút tích của Tam Nguyên Yên Đổ, hàng trăm cuốn sách thuốc, sách chữ thánh hiền đều bị đốt trụi, bị quăng xuống hồ, lẫn với tre xoan bị chặt hạ, lẫn với ván thôi, xác chuột và phân người. Cái sân gạch rộng mênh mông như sân đình bị cuốc lên, chia nhó từng mảnh cho các ông bà nông dân trồng khoai, trồng cà. Sáu hộ bần cố nông chia nhau quả thực, chiếm giữ hai dãy nhà tả hữu vu, nhà ngang, và cả ngôi nhà thờ Gạch ở sân được dùng để xây những bức tường ngăn giữa các hộ, như những lô cốt cố thủ, rồi xây thêm sáu khu bếp, chuồng lợn, chuồng trâu. Riêng chuyện đi ỉa thì mạnh ai người nấy phóng ra vườn, sau những bụi chuối và các đống rơn rạ, hoặc phóng thẳng xuống cái hồ nay đã thành một mảnh ao tù.
Hơn bốn mươi năm trôi qua. Nguyễn Kỳ từ đường, Nguyễn Kỳ Viên tưởng mãi mãi phế tích, tưởng sẽ dần bị huỷ hoại, bị xoá hẳn dấu tích trên thế gian. Nào ngờ, như trong huyền thoại, vào giữa năm 1995 một dự án lớn phục chế và tôn tạo Nguyễn Kỳ Viên đã được hình thành. Để chuẩn bị cho công trình thế kỷ này, ngay từ năm 1985, giai đoạn một của dự án đã hoàn tất. Khuôn viên bẩy nghìn mét vuông của Nguyễn Kỳ Viên đã được chuộc lại hoàn toàn. Sáu hộ ngày cải cách ruộng đất giờ đã sinh sôi thành mười tám gia đình vợ chồng con cái, tạo thành một tụ điểm chật chội và đầy tệ nạn cờ bạc, hút sách, trộm cắp… Nhưng rồi vợ chồng ông Cục cũng giải quyết êm gọn. Tiền nhiều là xong béng. Bẩy hộ ẵm tiền vào Lâm Đồng, Sông Bé lập khu kinh tế mới, mua đất trồng cà phê, cao su. Ba hộ kéo nhau ra Hà Nội bán phở, làm cốp pha. Những hộ còn lại ra khu dàn dân đầu làng mở quán karaokê, bia hơi, bơm sửa xe máy, xe đạp.
Công cuộc xây dựng lại toàn bộ Nguyễn Kỳ Viên dự kiến sẽ kéo dài trong hai năm, do ông Nguyễn Kỳ Quặc cùng con trai Nguyễn Kỳ Tác, con rể Đinh Mạn, được giao quản lý thi công. Đích thân ông Cục đã chầu chực hàng tuần lễ, mời bằng được thầy Cao, một thầy phong thuỷ và tướng số giỏi nhất vùng về tính toán giúp. Bản vẽ thiết kế toàn cảnh và thiết kế chi tiết đặt hàng Viện Quy hoạch và Kiến trúc thực hiện. Đúng như lời dặn của Cụ Hồ: "Còn non còn nước còn người. Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay". Nguyễn Kỳ Viên sẽ to đẹp gấp mười lần ngày xưa.
Hãy xem bản vẽ tổng thể do kiến trúc sư vừa tốt nghiệp loại ưu Nguyễn Kỳ Tác, con trai út ông Cục phác thảo, để mường tượng ra một Nguyễn Kỳ Viên của ngày mai: Bắt đầu từ ngoài con đường rẽ cuối làng vào là chiếc cổng lớn có hàng đại tự chữ Hán kèm chữ Quốc ngữ: Nguyễn Kỳ Viên Nguyễn Kỳ Từ Đường" với bốn hàng trụ biểu, chia thành cổng lớn và hai cồng phụ, hai trụ chính cao tới hơn mười mét, như hai ngôn tháp. Tiếp đến là chiếc hồ lớn được tạo dáng và kè bờ bằng đá hộc miết mạch xung quanh như những h bơi của các khu resort hay các khách sạn quốc tế năm sao. Giữa hồ là đảo Ngọc, lầu bát giác, được nối bởi Nguyệt Kiều điệu đàng như một cầu cổ trong Tử Cấm thành của Bắc Kinh. Chiếc sân chầu ngày xưa nay sẽ mở rộng hơn và được lát bằng thứ gạch bát Giếng Đáy đỏ au. Quan trọng nhất, vĩ đại nhất, không thua kém gì nhà Thái Học ở Văn Miếu Quốc Tử Giám là ngôi từ đường chi họ Nguyễn Kỳ.
Năm gian nhà phỏng theo kiểu cổ, đầu đao cong vút. Xi măng sắt thép toàn loại thượng hạng, ngói mũi hài Hương Canh, gạch xây, gạch ốp lát Giếng Đáy, đồ gốm sứ Bát Tràng. Riêng phần gỗ, thì đừng đùa với thợ xẻ làng Động, toàn chủng loại sưa, trắc, lim, lát, vàng tâm… Độc đáo nhất là những bức chạm trổ đầu hồi, những bình phong, trụ, xà đều bằng loại gỗ sưa có màu đỏ thẫm và hương thơm đặc biệt, giá được tính như gỗ trầm, vài trăm nghìn đồng một kilôgam, thứ đến là hàng cột cái hai mươi tư chiếc, toàn một thứ gỗ lim lõi đặc chở từ những cánh rừng Thượng Lào về, trong đó mười hai chiếc cột giữa, mỗi cột cao tới bẩy mét, đường kính khoát ba mươi phân, không thua kém gl những cột đình được xếp hạng di tích.
Phần diện tích tuy nhỏ nhưng được đầu tư nhiều công sức, tiền bạc là phần hậu cung chuôi vồ ở gian chính giữa nhà thờ. Gian hậu cũng được xây cao vượt lên, kiến trúc theo lối nhà chồng diêm tám mái, có lan can, cửa kính lùa chạy xung quanh. Đây là điện thờ, với những khán thờ cổ xưa, những báu vật của chi họ, như gia phả, sắc phong, mũ mãng, triều phục, ấn kiếm, tàng thư…
Trong những thứ gia bảo được thờ ở ngôi từ đường mới, sẽ có một linh vật đặc biệt do chính ông Cục lưu giữ còn hơn con ngươi của mắt mình. Rồi tự tay ông sẽ bí mật đặt linh vật này vào trong hộp đựng sắc phong của chi họ.
Đó là một sợi dây thừng, tím đen những vết máu, đầu dây lòn thít chặt một ngón chân cái đã thâm xỉn, như một mẩu gỗ lim.