Cùng với làn nắng rụt rè tỏa xuống là không khí ấm áp
hơi quá mức bình thường của một ngày đầu mùa lan ra không thể nói là chậm chạp
dần dà. Chốc sau, nắng tắt đột ngột. Ngước nhìn lên, đã thấy không gian như vừa
được phết lên một lớp sơn màu ghi sáng mỏng, hơi ấm lúc nãy vừa phả biến mất,
thay vào đó là cái lạnh se bất chợt làm cho người ta thoắt rùng mình...
Thuận khép lại tà áo gió khoác ngoài, bước chậm hơn,
vừa đi vừa suy nghĩ vẩn vơ. Ngọn đồi nửa bên này phẳng lì trơ trụi, nửa bên kia
vun lên rậm rạp, van vát như một quả bưởi ai vừa cắt chéo, mang một dáng vẻ vừa
giấu giếm vừa phơi bày làm cho lòng Thuận bỗng dội lên một niềm nho nhỏ, xôn
xao mà không biết là niềm gì, vui hay buồn, từ đâu đến. Chị mỉm cười, lắc lắc
mái tóc, cảm thấy mình lạ lùng khó hiểu như không phải là chính mình vậy. Đường
lên mặt vát bên này để vòng sang mặt tròn bên kia xuống lưng chừng đồi, nơi từ
đó có thể thấy dưới xa con sông lượn một vòng cung hơi điệu đàng một chút, là
ngôi nhà cha con ông lão Kiệm, người trông coi nương chè của xã.
Bà con xóm đồi gọi ông Kiệm thế, nhưng thực ra ông mới
ngoài năm mươi, chưa đến cái tuổi lên lão, chẳng qua gọi theo thói quen và một
phần vì ngoại hình của ông mà thôi. Ông tầm thước, lưng rùa, bộ râu quai nón
không được chăm sóc kỹ lưỡng luôn rậm rì, âm u trên khuôn mặt chữ khẩu, ẩn một
nét giang hồ lang bạt. Vậy mà trên khuôn mặt đó, một đôi mắt dài màu chì khá
thanh tú, long lanh với cái nhìn không chớp chỉ có thể có được ở người chưa mấy
từng trải, thì rõ là mắt của một anh học trò! Đôi mắt được gắn vào khuôn mặt
như một sự bày đặt cố ý, lại như một sự ngẫu hứng thâm trầm - Thuận nghĩ bụng.
Chẳng biết ông Kiệm đến vùng đồi này từ bao giờ, có lẽ
đã lâu lắm, khi mẹ con Thuận về đây thì bà con trong thôn xã đã coi ông như là
dân gốc. Bấy giờ chồng Thuận vừa hy sinh ở mặt trận, giấy báo gửi về mãi sáu
tháng sau mới đến địa phương, phong bì và giấy đánh máy bên trong đã nhàu nhĩ
vì bom đạn, vì mưa gió đường trường. Đang thời kỳ chiến tranh ác liệt, những
nỗi đau mất mát như của chị không hiếm nơi hậu phương. Vì vậy, nó buộc chị phải
tìm đủ mọi cách để mau chóng khuây khỏa, nguôi ngoai. Trước mắt chị là đứa con
nhỏ đang cần chị nâng niu bù đắp cho nó cả tình mẹ lẫn lòng người cha, thứ nữa
là công việc ở nhà trường, là các em học sinh của chị. Thuận tự nguyện lên vùng
đồng rừng nhân lúc ngành giáo dục vận động các thầy giáo cô giáo từ miền xuôi
lên miền ngược. Đó là một ngày sắp mãn tiết thu phân một năm sau khi người
chồng Thuận mất, cũng là năm đất nước được hoàn toàn giải phóng. Chị còn nhớ
như in những ngày đầu đặt chân tới ngôi trường mới. Trong số người xã cử tới
sửa sang lại gian phòng trường phân cho chị trong ngôi nhà tập thể của giáo
viên lợp bằng lá cọ ở xế sân sau trường, có hai cha con ông lão Kiệm. Họ dựng
thêm cho mẹ con chị một cái chái bếp. Trái với người cha, ông lão càng xởi lởi
vui chuyện bao nhiêu thì anh con trai, mới chỉ là cậu bé mười tám mười chín mà
đã như ông cụ, mặt mày nghiêm trang, cứ lầm lì lụi hụi làm cùng cha, cạy răng
không nói một lời. Cũng nhờ buổi đó mà Thuận biết được đôi điều về cuộc đời ông
Kiệm do chính ông kể lại. Ông người miệt dưới, phía biển, thuở nhỏ được ăn học
đàng hoàng, đậu bằng "pri-me"; lớn lên, suốt thời trai trẻ theo
thuyền đi buôn bán xa, Quảng Ninh, Móng Cái, Hội An rồi Hải Phòng, Đồng Nai, Bà
Rịa, từng đặt chân đến tận Hàng Châu Trung Quốc... ăn cơm thiên hạ đã mòn răng.
Ông chặc lưỡi vẻ khâm phục :
- Đất Hàng Châu là đất gấm vóc lừng danh, mà chè nước
tẩm sao cũng nổi tiếng, cô giáo à!
- Vâng... cháu cũng có nghe nói!
- Nói chuyện này cô giáo đừng cười. Một hôm ra phố
Hàng Châu, tôi bị hút hồn bởi một cô bán lụa đấy! Thế là có bao nhiêu tiền mang
theo tôi mua sạch, vét gần hết quầy của cô ta. Nói bao nhiêu mua bấy nhiêu,
chẳng mặc cả mặc con gì sất. Các quầy khác cứ trố mắt ra nhìn, vừa lạ vừa ghen!
- ông lão phá ra cười ha hả.
- Ôi bác! Cô ta nói gì với bác mà bác mê say đến thế?
- Thuận vui lây với mẩu hồi ức hồn nhiên của ông Kiệm, mỉm cười hỏi, nghĩ thầm:
"Bố già lãng mạn thật, đa tình gớm!".
- Thế đấy, cô giáo à! Bấy giờ tôi còn trẻ mà, phong độ
và đẹp trai nữa, chẳng có vẻ gì là dân buôn cả, cứ như là một nhà báo, một công
chức vậy... ờ... ờ cô ta nói gì với tôi à? Ngôn ngữ bất đồng làm sao tôi hiểu
được. Cô ta mặc một chiếc áo dài Thượng Hải, hai cánh tay trần mềm như hai cánh
chim đưa lên đưa xuống đưa qua đưa lại, đo lụa cho tôi. Chỉ thế thôi mà tôi
thấy như tắc thở đấy!
Thuận giật mình. Không ngờ ông già bề ngoài có vẻ khô
cứng thô ráp như một gốc cây lại có một nội tâm mềm mại, hơi "ướt át"
như thế. Chị bỗng thấy băn khoăn day dứt một cách vô cớ, định gợi chuyện ông
điều gì đấy nhưng kiềm chế được, lại thôi. Anh con trai ngồi trên mái bếp đón
tấm tranh ông bố đưa lên từ ngọn sào xóc vào, tay xoắn múi lạt một cách giận
dữ, bật ra :
- Nói cái gì không nói, lại nói ba cái chuyện
"loăng quăng"! Bố già rồi, không biết ư? Không sợ người ta cười cho
là vô duyên ư?
- Thuận ngạc nhiên nhìn cậu con, lại nhìn ông bố, đợi
một lời vặc mắng lại của ông. Nhưng không, hai người chẳng nói gì thêm cả, cứ
như vừa rồi không có gì xảy ra. Ông bố nhìn vào mắt cậu con một lúc khá lâu làm
cậu con cụp mặt xuống, rồi quay đi như thể để giấu tình cảm hoặc nối tiếp sự
suy đoán mơ hồ của mình vừa trỗi dậy, gật gật đầu.. Thuận chẳng còn hiểu ra sao
nữa. "Người ta" cậu bé nói đây là ai chứ? Chỉ mọi người xung quanh hay
chỉ riêng chị? Nếu thế thì cậu bé nhầm to rồi. Còn trẻ con có khác. Cậu ta
tưởng bố "tán" Thuận, hay đặt bố cũng chỉ cùng một trang lứa với chị?
Chao ôi, mình già đến thế rồi sao!...
Chút se buồn về mình của Thuận thoắt tan đi vì thái độ
lạ lùng của ông Kiệm. Tại sao ông lão lại có vẻ chịu đựng trước lời đốp chát có
thể gọi là vô lễ hỗn hào của anh con trai như thế? Cái gật gật đầu - Thuận nhìn
từ phía sau lưng còn thấy vai ông rung rung như đang cố ghìm một tiếng cười
nữa, là sao, biểu hiện điều gì? Rồi cái nhìn của ông, nó là sự chê trách hay
cảm thông đối với nỗi lòng của người con mà với mẫn cảm của bậc cha mẹ, ông
thấy nó đã khôn lớn thực sự, đã hiểu sâu xa về quãng đời trước đây của bố mẹ?
Và nếu như thế thì câu đốp chát vừa rồi của anh con trai với bố phải được hiểu
một cách ngược lại.!...
Lâu về sau này Thuận mới hiểu thêm qua bà con xóm đồi
và con gái út ông Kiệm. Mai lại là học sinh của cô năm cuối cấp, lớp do cô làm
chủ nhiệm. Mai đã tâm sự với cô giáo những gì em biết về gia đình em. Bây giờ
Mai đã là sinh viên trường đại học sư phạm dưới thành phố tỉnh lỵ; em ở nội
trú, hàng tuần chủ nhật mới về nhà. Mười mấy năm về trước, khi Mai mới ba bốn
tuổi gì đó, bố mẹ em đã chia tay nhau. Họ thu xếp việc sống mỗi người một cuộc
đời riêng êm thấm, lặng lẽ, nhanh chóng, kỳ lạ đến nỗi hai bên gia đình nội
ngoại và bà con xóm giềng cứ tưởng chuyện đùa. Có lẽ họ không còn ở vào lứa
tuổi xốp nổi, đã quá từng trải nên họ đủ sức, có khả năng biến những chuyện ồn
ào ghê gớm thành chuyện đơn giản bình thường. Sau một chuyến đi xa dài ngày về,
chiều hôm đó Kiệm nói với vợ:
- Mình à, chuyến này tôi không ở nhà được lâu, có
chuyện làm ăn mới bàn bạc với mình. Gói cà phê tôi mang về đấy, mình pha đi;
đêm nay vợ chồng mình uống chút cho tỉnh táo.
Người vợ nhìn chồng:
- Có gì mà vội, mình! Mới đi về mệt, mình nên nghỉ sớm
cho khỏe. Chuyện làm ăn lâu dài cả đời, vội gì!
- Gấp thật mà! Vợ chồng mình phải thuận tình đêm nay.
Mai sớm còn chạy thêm vốn liếng, hàng hóa, vật dụng... nhiều thứ nhiêu khê đấy!
Người vợ mở ngăn kéo bàn lục tìm chiếc phin, bình
thản:
- Vậy à. Thế thì cùng thức. Em cũng đang muốn nói với
mình một chuyện!
- Chuyện gì?
- Chuyện đời muôn thuở ấy mà! Các cụ ngày xưa có nói:
"Dữ dội, đột ngột có thể rước về; nhẹ nhàng, an nhiên cũng có thể đem
lại". Mọi sự đều do ta, mình ạ!
Nghe vợ nói lời là lạ, người chồng sửng sốt lặng im.
Hai ngày hai đêm liền, họ gần như chỉ ở trong buồng, rủ rỉ thầm thì với nhau
không lúc nào ngơi, không hề to tiếng, mấy đứa con chẳng nghe ngóng được gì.
Đến ngày thứ ba, người vợ soạn một bữa ăn có những món chưa bao giờ cả nhà được
nếm, dọn ra. Gia đình xúm quanh, vui vẻ ồn ã như một bữa tiệc liên hoan, nửa
chiều mới tan. Và đến lúc ấy, mấy đứa con mới biết cha mẹ mình đã quyết định ly
hôn! Còn nhỏ, chúng chưa biết thế là hay hay dở, là nên hay không nên, là vui
hay là buồn. Chúng chỉ biết theo bố đứa trai đầu và đứa gái út, còn theo mẹ,
đứa gái giữa. Gia đình chia đôi từ phút ấy. Đó là một buổi chiều nắng rất đẹp,
mùa hè mà cứ vàng mơ như đang thụ Người vợ về nhà ngoại. Người chồng ở lại, để
rồi cũng ra đi sau đó mấy tháng. Vợ chồng lặng lẽ ôm nhau lần cuối, gọi nhau
bằng "anh, em" - điều mà họ chưa bao giờ làm trước mặt mọi người và
con cái họ... Hai tháng sau, tòa xử, chấp nhận sự lựa chọn của họ sau nhiều lần
giải hòa không có kết quả. Bà chánh án đã có mười lăm năm trong nghề, lần đầu
tiên xử một vụ ly hôn mà cả hai bên đều nói tốt về nhau, không hề có một lời tố
cáo nhau, thậm chí một lời mỉa mai, cạnh khóe... cũng không nốt. Bà chánh án
dày dạn kinh nghiệm, biết không thể nào hàn gắn được nữa; vả có gì mà phải hàn
gắn, họ có đổ vỡ đâu, họ từ cuộc sống này chuyển sang cuộc sống khác đấy
thôi!...
Cũng mãi về sau, trong một lần về thăm quê, Thuận tình
cờ gặp bà chánh án nọ… Tưởng ai xa lạ, hóa ra bà là dì họ của Thuận. Bà nói:
- Họ quá tốt với nhau nên không thể sống chung với
nhau! Nếu tiếp tục, họ sẽ không còn tốt với nhau được nữa, ngay cả tốt đối với
chính bản thân họ, cháu à! Song chuyện gì cũng phải có cái cớ. Cháu biết không,
đứa gái giữa không phải con ruột của ông chồng; và đứa gái út cũng vậy, không
phải con ruột của bà vợ!
Thuận kêu:
- Trời! Rắc rối éo le đến thế cơ à?
- Ừ, vậy mà họ xử sự cứ như không. Khi có bầu đứa gái
giữa, ông chồng vừa đi xa về, bà vợ thú thật ngay. Sau đó, một lần ông chồng
về, trên tay bế đứa gái út một tuổi rưỡi do một cô nhân tình nào đó ở nơi nào
đó của ông ta trả, bà vợ rước đón ngay, chăm bẵm, ôm ấp, thương yêu như chính
con mình rứt ruột đẻ ra...
Thuận đã lên tới đỉnh đồi. Chị dừng lại phóng mắt về
xa, nơi con sông lượn vòng một cách bí ẩn, đẹp mê hồn. Mới đó đã dăm năm kể từ
ngày chị đến sống ở xóm đồi này. Luồng suy nghĩ đeo đuổi trong đầu chị vẫn chưa
thôi, dù trước mắt chị cảnh trí tuyệt vời của những nương chè bậc thang chập
chùng, xanh mởn, đang phô bày hết vẻ đẹp vừa rỡ ràng vừa u uyên của nó trong
màn nắng nhẹ buổi sáng nhưng lúc nào cũng vương sương mỏng của vùng đồng rừng.
Chị đưa hai tay xoa má, chợt nhận ra rằng mình buồn cười thật, tại sao, vì lẽ
gì mà mình quan tâm tìm hiểu về bố con ông Kiệm tỉ mỉ như thế chứ. Cái ông già
- đâu đã già nhỉ? - cũng hay, ruột để ngoài da như thế nhưng vẫn có một góc
riêng trong đầu bất khả xâm phạm để lưu giữ những điều chỉ riêng mình biết. Còn
cậu con trai, Toàn, ngậm hột thị, lúc nào mặt mày cũng nghiêm trọng, quy củ như
đứng trước hàng quân, biết đâu lại là một anh chàng rộng mở, mới mẻ, phóng
khoáng cũng nên! Giờ thì anh chàng đã trưởng thành, lái xe cho công ty chế biến
chè xuất khẩu, sau khi đã đi bộ đội bốn năm về. Chả là anh ta hồi tại ngũ ở đơn
vị thiết giáp bánh hơi, từng học lái thạo đủ các loại xe lớn nhỏ, khi ra quân
mang theo bằng chứng nhận lái xe. Anh ta lại đang theo học lớp đại học tại
chức, khá khen thật! Còn em gái anh ta cũng vừa tốt nghiệp, sắp nhận công tác,
sắp trở nên đồng nghiệp của chị. Chỉ riêng ông Kiệm vẫn thế, thời gian phôi pha
như trượt qua cuộc đời ông, chẳng để lại dấu vết gì. Nói như bà con xóm đồi vẫn
nói, gà trống nuôi con được như ông không mấy ai theo nổi...
Thuận đến nhà ông Kiệm vừa lúc ông ngoài nương chè về.
Ông gỡ giỏ chè búp vừa hái trên vai xuống đặt ở góc hiên nhà. Cô giáo tương lai
của gia đình hình như đã nấu nướng sửa soạn xong xuôi, đang ngồi nói chuyện ở
gian bên với một người đàn ông đứng tuổi ăn mặc khá chải chuốt, áo vét
"na-tô" mầu rêu đi giày mõm nhọn đen bóng lộn. Thấy cô giáo cũ hiện ở
bậc thềm, Mai ào ra, tươi cười tíu tít:
- Chào cô ạ! Em đợi cô nóng cả ruột, cứ sợ cô bận việc
gì không đến được, em lo lo là... à, đây là anh Cường, trưởng phòng tổ chức
trường em.
Người khách đứng dậy chào, vẻ vừa tự nhiên vừa lúng
túng, nhưng không quên đưa tay vuốt mái tóc dày đen rợp rất đẹp. Cử chỉ của anh
ta làm Thuận chợt nghĩ: "Chắc gì mái tóc đó vốn đã như vậy lâu nay!"
- Nghe tiếng chị đã lâu nhưng hôm nay tôi mới được
gặp! Chị Thuận người quê dưới tỉnh Đông à? Tôi cũng có một bà cô lấy chồng dưới
mạn ấy đấy!
- Vâng. Thế à? - Thuận trả lời.
Ông Kiệm nhìn lướt bàn nước vẻ chưa ưng ý, quay lại mở
tủ lấy ra một bộ ấm chén bằng đất nung, đặt vào bàn, mở lọ trà:
- Chè Thái quê mình phải pha loại này mới đúng điệụ ôi
chà, cô giáo Thuận cả vùng này ai còn lạ, hôm nay bác Cường mới gặp ư?
Ông rót trà ra chén. Dòng nước xanh mầu nõn chuối từ
vòi ấm tong tong chảy ra, mùi thơm bốc lên, lừng mà dịu. Tinh tường một chút,
có thể nghe có vị bùi bùi trong đó.
- Mời cô giáo, mời bác. Vụ chè năm nay xem chừng khá
hơn mấy vụ trước, cô Thuận ạ. Có điều mấy hôm rồi, lốm đốm thấy có rầy ở đôi
khoảnh sát dưới bờ sông.
- Thế bác đã báo cho bà con biết chưa?
- Đã. Bà con đang lo diệt ngoài ấy. Toàn về rồi hả
con? Thôi, dọn mâm ra, Mai!
- Vâng, con xong ngay đây.
Toàn giẫm giẫm giày bộ đội vào hòn đá mặt phẳng trên
sân cho mảng đất dính ở đế bong ra, vào nhà. Gặp ánh mắt Thuận, anh liền cụp
cái nhìn xuống, ngượng nghịu, lảng đi chỗ khác, nhưng lời chào thì lại hơi bốc
lên, quấn quýt:
- Lúc nãy tôi đi ngang qua trường rẽ vào, định đón chị
về cùng luôn nhưng xúi quẩy quá, chị đã đi rồi.
- Thuận cười, hơi ngạc nhiên trước vẻ bạo dạn của anh
con trai:
- Thế à, cám ơn anh. Xa xôi cách trở gì mà phải phiền
anh đưa đón. Tôi đã hứa là tôi đến chứ.
- Cháu bé đi đâu không thấy ở nhà, chị Thuận?
- Cháu đi học tổ nhóm cùng bạn. Mới hồi nào, giờ cháu
đã lên lớp năm rồi đấy! Anh Toàn thấy có nhanh không?
- Vâng, nhanh thật!
Thuận đưa tay đón mâm cơm Mai bưng ra khệ nệ:
- Để cô giúp em!
- Bày cả ra bàn cho rộng rãi thoải mãi, cô ạ!
Ông Kiệm vỗ vỗ chai rượu cầm trên tay, trịnh trọng:
- Hôm nay gia đình tôi vui lắm vì có cô giáo và bác
Cường đến chơi, mừng cho hai đứa con tôi; một đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự về
là có công ăn việc làm đàng hoàng, chóng vánh; một đã tốt nghiệp nay mai cũng
được làm cô giáo. Ước mơ của đời một người cha như tôi thế là toại nguyện. Thế
này, người ta thì bia bọt, nhưng chúng ta "dân gian" một chút, làm
chén "cuốc lủi". Mời cô giáo Thuận, mời bác Cường!
Ngồi ăn, Thuận thấy trong lòng vui vui, một niềm vui
là lạ, phấp phỏng. Bố già không ổn rồi, gọi ông trưởng phòng tổ chức bằng bác
không sợ xúc phạm đến cô con gái rượu sao? Hay ông biết chắc Mai chẳng có tình
ý gì với anh cả. Hoặc ngược lạỉ Còn Toàn, anh chàng nghĩ gì mà đã trở lại với
vẻ mặt như sắp hô nghiêm, nghỉ thế? Ưu tư à... Vì chuyện gì, vì aỉ... Bất giác
hai má Thuận rần rần. Ngụm rượu ngon, êm ngọt, làm cho chị ngà ngà; chẳng hiểu
giờ đây khuôn mặt mình ra sao, có biểu lộ điều gì để người khác đọc được hay
không nữa! Chị ấp hai tay vào má, cảm nhận sự ấm nồng dịu nhẹ của rượu dường
như giúp chị thanh thản hơn, vị tha hơn...
Mai tiễn Cường ra cổng. Người đàn ông đứng tuổi đi
cạnh cô gái trẻ măng với những bước đầy tự tin. Họ nói với nhau nhỏ nhẻ, chừng
mực, khó nói được là gần gũi hay cách biệt, thành thật hay khách sáo.
- Cô ơi ra ngoài này với em một tí!
Thuận mỉm cười. Cô bé quả đang còn là cô bé, còn nũng
nịu đáng yêu thế! Chị khoác vai cô học trò cũ, hạ giọng, thì thầm:
- Bạn trai của em đấy à?
- Chưa đâu cô ạ. Chắc là còn... nhưng... cũng có thể!
Cô góp ý cho em đi!
- Góp là góp thế nào? Tùy em chứ!
- Em không quan tâm đến tuổi tác. Tuổi tác có nghĩa gì
khi đã thực sự hiểu nhau, yêu nhau, cô nhỉ? Rồi em sẽ thưa với cô sau. Thôi xin
phép cô, em tiễn anh ấy một đoạn.
Thuận quay vào, thấy như hụt hẫng điều gì. Thật sự
hiểu nhau yêu nhau thì còn gì phải nói, nhưng hiểu nhau chưa chắc đã yêu nhau
và ngược lại. Tốt quá với nhau, bỏ qua những chuyện tưởng không thể bỏ qua như
bố mẹ em đấy thôi, họ có chung sống với nhau trọn đời đâu! Con người có thể
bước qua lỗi lầm đã hối cải nhưng tuồng như khó lòng bước qua niềm tin đã bị
nứt vỡ... Đúng vậy chăng?
Thuận sà xuống hiên nhà nơi hai cha con đang ngồi vò
chè, bị cuốn hút ngay bởi những bàn tay đàn ông gân guốc nhưng mềm mại, khéo
léo lạ thường của họ. Chè búp trước khi sao phải được vò cẩn thận, đúng kỹ
thuật, mới giữ màu, được nước và khi lên than lửa liu riu mới không bị gãy nát;
sao khô rồi mới hiện hình những chiếc móc câu tuyệt vời. Chẳng phải lần đầu
nhìn thấy, Thuận cũng đã từng học, từng làm khá thành thạo, nhưng sao giờ đây
nhìn những bàn tay xoay vò những búp chè "một tôm hai cá" tròn vo,
mạnh mẽ và vẫn nâng niu, tưởng như tách rời mà vẫn xoắn xuýt, chị bỗng thấy bồi
hồi xúc động, nghèn nghẹn nơi lồng ngực...
Ông Kiệm đứng lên:
- Để Toàn nó làm nốt, cô giáo ạ. Mời cô vào trong này
tôi xin thưa một chuyện.
Thuận bị bất ngờ, hơi biến sắc. Ông Kiệm cuống cuồng,
líu lưỡi một lát:
- Chẳng... không, không có gì... Tôi chỉ muốn nghe một
lời khuyên của cô thôi, cô giáo à. Chả là ngày mai, anh em chúng nó về xuôi
thăm mẹ chúng. Một bà ở quê tôi, một bà ở Hải Phòng, cô ạ!
Thuận thở hắt một hơi nhẹ, trong khi Toàn nhìn bố lưng
lẻo, diệu vợi... Chắc chắn đây là lần đầu anh chàng nhìn bố như vậy.... Thuận
ra về sau khi "lấy hương" một mẻ chè sao mà chị bảo để chị làm thử;
và ông già Kiệm vốc một vốc đưa lên hít hít, khen: "Đẹp, hương đẹp
lắm!".
Thuận nán lại một lát nơi đỉnh đồi nửa vát nửa tròn,
mắt đăm đắm nhìn vào những hàng chè mới lên độ gang tay. Những cây non trông
mới sức vóc làm sao, dù chúng vẫn còn chút rụt rè khi từ đất trồi lên chạm phải
bao la khoáng đãng vùng đồi. Cái màu tro than sầu đông của đất đồi ở đây thật
đặc biệt, nó nâu sẫm hẳn là không nhưng xám nhạt cũng chẳng phải. Có một chút
gì anh ánh trong đó, rất khó tả nhưng lại làm người ta yên lòng - Thuận nghĩ -
Ông già Kiệm đấy, ông đã hỏi chị những điều mà nếu như không xem chị là người
đặc biệt tin cậy, có khả năng làm yên lòng người khác, chí ít là những người
trong gia đình ông; thì ông không hỏi. Như là một dịp tâm sự, giãi bày, bàn
luận... Phải vậy thôi, những người con của ông, lớp thanh niên mới bây giờ, họ
đâu có xa rời với đạo lý làm người, với truyền thống cha ông, mặc dù họ có thể
nghĩ khác làm khác ông chuyện này chuyện kia...
Buổi sáng hai đứa con lên đường, ông Kiệm dậy sớm hơn
thường lệ. Ông không đun nước bằng củi trong bếp như mọi khi, mà quạt một lò
than nhỏ cho hồng rồi bắc ấm lên. Than tí tách, phi phi... đượm dần. Gian nhà
ngoài ấm sực.
Ông nói vọi vào bếp với con gái:
- Chong chóng lên con. Ra ga sớm một chút cho khỏe.
Mình đợi tàu chứ tàu không đợi mình!
- Vâng ạ. Bố và anh cứ uống xong tuần trà là con đâu
vào đấy thôi mà!
Ông đưa tay ra mời con trai ngồi vào bàn trà, trân
trọng đến nỗi Toàn há mồm nhìn cha một giây. Người con vụt hiểu, mỉm cười không
nói gì, để bố tự nhiên. Đã lâu lắm, hai cha con mới lại ngồi đối ẩm, đúng với
tinh thần một cuộc đối ẩm bạn bè, dường như thế thì phải...
Ông Kiệm tráng ấm, lường lượng chè cho vừa cho vào ấm,
"làm lông" xong, rót nước vào, ngồi đợi chè ngấm.
Hai cha con im lặng, dường như giờ đây họ chẳng có
việc gì quan trọng bằng việc thưởng thức mùi vị ấm chè ngon của vùng quê đồi
quen thuộc mà lạ lùng này.
Lát sau người con nói, giọng hơi chìm lẩn nhưng thiết
tha:
- Bố à, bố còn tráng kiện lắm; con nghĩ rồi đây chúng
con sẽ không còn ở nhà luôn bên mình bố được nữa; bố hãy... bố nên...
Người cha ngắt lời:
- Bậy nào! Là con ấy, bố biết, hình như con...
Ông ngừng lại, với tay cầm ấm chè, rót. Và bỗng nhiên,
ông nháy mắt tinh nghịch với cậu con trai:
- Con biết không? Có lần bố đến Hàng Châu, được mời
uống chè ở đó, họ nói - mà hồi xưa các cụ nhà ta sành sỏi cũng đã nói rồi! Rằng
trà có nhiều nước. Nước đầu là "Nước thiếu nữ". Thanh khiết, ngào
ngạt. Nước thứ hai là "Nước thiếu phụ". Đượm đà, nồng nàn, sâu thẳm.
Đấy mới là nước ngon nhất trong một ấm trà. Dư vị trong cổ họng cứ đọng hoài,
đọng mãi… không tan. Con có biết không, Toàn?
Người con trố mắt. Điều này thì anh chưa biết
thật!...